Cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng thiếu vi chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Con người lại không tự cảm nhận được sự thiếu hụt này nên thiếu vi chất dinh dưỡng còn có tên gọi là “nạn đói tiềm ẩn”. Theo đó, thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề cho sự phát triển toàn diện ở trẻ, giảm kết quả học tập ở trẻ em, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành.
Thiếu vitamin A gây mù do khô loét giác mạc, tăng nguy cơ tử vong, kìm hãm sự phát triển thể lực, trí tuệ. Thiếu sắt dễ làm thiếu máu dinh dưỡng, làm giảm khả năng lao động, khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, biến cố sản khoa. Thiếu iốt dẫn đến bệnh đần độn, kém phát triển trí tuệ, suy dinh dưỡng, bướu cổ. Thiếu vitamin D gây còi xương, thấp còi, chậm tăng trưởng và gây loãng xương khi lớn tuổi…
Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có nhiều vi chất dinh dưỡng cơ thể không tự tổng hợp được mà phải do thức ăn cung cấp hàng ngày. Thói quen lựa chọn thực phẩm chưa hợp lý nên các bữa ăn của gia đình Việt vẫn chưa thực sự cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng.
Để một bữa ăn có thể cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết, bà nội trợ cần chú ý phối hợp 15-20 loại thức ăn một ngày, đầy đủ cả 4 nhóm đạm, tinh bột, vitamin và chất khoáng, chất béo. Một bữa cần đảm bảo 5 món: cơm, canh, món mặn, rau và tráng miệng.
Dưới đây tiến sĩ Mai chỉ ra 4 sai lầm hay gặp của cha mẹ khi chế biến bữa ăn khiến trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng:
Cho con ăn ít rau
Sai lầm rất lớn trong nấu cho trẻ mà nhiều cha mẹ hay mắc phải là cho con ăn ít rau và rau thường chọn các loại rau củ như: củ cải, su hào. Tuy nhiên với trẻ, rau được chia làm 2 nhóm: rau lá màu xanh sẫm, củ màu vàng- chúng có giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng hơn rất nhiều so với nhóm rau củ bình thường.
Lấy ví dụ, su hào, củ cải thì ít vi chất hơn rất nhiều so với rau muống, rau ngót; đặc biệt là rau ngót rất giàu vitamin C. Các bà mẹ cần lưu ý là lượng vitamin C trong rau, quả không đồng hành với vị chua của rau, quả. Rau ngót rất ngọt nhưng lại giàu vitamin C, quả chanh rất chua nhưng lại không nhiều C bằng quả bưởi.
Luôn muốn con ăn một bát to
Có một thực tế là các bà mẹ quá chú ý đến khối lượng trẻ ăn được thay vì chất lượng. Họ thường mong con ăn một thể tích khá nhiều, phải ăn bát to, bát đầy, đĩa to mà không bao giờ tìm hiểu thể tích dạ dày con mình được bao nhiêu; cũng như không quan tâm đến đậm độ của bữa ăn, hàm lượng chất béo trong khẩu phần của trẻ.
Theo nhu cầu khuyến nghị trẻ dưới 3 tuổi, tốc độ não phát triển rất nhanh nên phần trăm năng lượng do chất béo cung cấp thường là 40-50%, thậm chí với trẻ dưới 6 tháng thì có thể đến 60% năng lượng do chất béo cung cấp. Vì thế, với đậm độ 1 g chất béo cho 9 kcal, thì với một thể tích nhỏ nhưng cũng đủ cung cấp năng lượng cho các cháu phát triển bình thường.
Áp khẩu vị người lớn cho trẻ
Trong quá trình chế biến đồ ăn cho trẻ, các bà mẹ thường dùng lưỡi của mình khi nêm nếm mắm hay gia vị. Trong khi đó, nhiều người Việt có thói quen ăn mặn, tiêu thụ rất nhiều muối. Vì thế, việc làm này vô tình áp đặt vị giác của mình cho trẻ nên dễ tạo cho trẻ khẩu vị thích ăn mặn. Đây là thói quen không tốt.
Vì thế, khi nấu bà mẹ lưu ý nêm phải rất nhạt so với vị giác của mình.
Luôn cho trẻ uống sữa có đường
Đây là điều không hợp lý, nhất là với trẻ 2-3 tuổi, gai vị giác rất phát triển. Lý do là khi sử dụng sữa nhiều đường, thường là đường cho thêm vào, không phải đường tự nhiên, dần dần tạo cho trẻ thích nghi với hàm lượng đường cao, thích vị ngot.
Cứ như vậy thói quen này tồn tại trong suốt cuộc đời sẽ làm cho bé tiêu thụ các sản phẩm thường có vị ngọt- đi kèm chỉ số đường huyết cao liên quan đến chuyển hoá chất bột đường, dễ dẫn đến bất dung nạp glucose máu. Đây là thói quen không tốt dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường sau này.
Lời khuyên: Cha mẹ cần thay đổi thói quen trong nuôi dưỡng trẻ. Trong khẩu phần ăn cầu đủ chất béo, không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp hấp thu vitamin tan trong dầu như E, D, K từ các thực phẩm khác. Ngoài ra, đặc biệt để ý vitamin D, nhiều người cứ đi tìm vitamin này trong thực phẩm mà không biết đây là vi chất duy nhất không đến từ thực phẩm mà từ ánh nắng mặt trời, tổng hợp qua da.
Để tránh việc mất các loại vitamin và khoáng chất trong rau củ khi chế biến, cha mẹ chú ý rau và củ, quả tươi nên được dùng ngay trong ngày. Nếu không dùng trong ngày nên bảo quản nơi thoáng mát hoặc trong tủ lạnh. Chỉ thái rau, củ sau khi rửa sạch và ngay trước khi nấu, không nên nấu rau củ trong thời gian dài.
Phương Trang