Rau ngót rừng
Rau ngót rừng và hoa của nó đều rất ngon. Ảnh: caygiong.
Đây loại rau được bà con người dân tộc trên tỉnh Cao Bằng vào tận rừng hái, khác hoàn toàn với loại rau ngót rừng được người dân trồng.
Loại rau này tuy đắt nhưng vẫn rất hút khách, nhất là giới nhà giàu sành ăn. Nhiều người còn phải đặt trước 2-3 ngày, thậm chí cả tuần mới mua được loại rau này. Rau ngót rừng đắt mấy cũng được lòng khách là vì lạ miệng, chỉ có theo mùa, và ưu điểm lớn là hàng sạch.
Rau ngót rừng đã rất ngon, nhưng hoa của nó còn ngon gấp chục lần. Hoa rau ngót rừng chỉ nở trong vòng một tháng nên có giá rất cao, lại hiếm nhưng nhiều người vẫn săn mua bằng được. Thực tế, hiện nay ở các huyện phía tây Hà Nội có nhiều vùng bà con đã trồng được loại rau này và bán ra khá nhiều nên giá rẻ hơn. Tuy nhiên, loại rau ngót rừng xịn vẫn có giá cao hơn hẳn.
Rau đắng
Rau đắng biển là đặc sản với cả người dân thành phố. Ảnh: flickr.
Nhắc đến rau đắng biển, rau càng cua nhiều người nghĩ ngay đến những món ăn quê quen thuộc dân dã.
Rau đắng biển và rau càng cua được xem là những món “đặc sản” của giới dân quê trước đây và là đặc sản của người dân thành thị hiện nay. Người ta thường bắt gặp những món ăn dân dã với rau đắng như rau đắng sống chấm mắm kho, rau đắng ăn lẩu cá, rau đắng nấu cháo cá, rau đắng nấu canh cá, rau đắng xào…
Theo các tài liệu Y học cổ truyền, rau đắng có tính mát, vị đắng, có khả năng thanh nhiệt tiêu độc, và là “thần dược” để chữa nhiều loại bệnh.
Rau sắng
Để mua được rau sắng không hề dễ dù có tiền. Ảnh: vuonquocgiaxuanson.
Mùa rau sắng bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch (mùa lễ hội chùa Hương).
Rau sắng khá đặc biệt ở chỗ, từ khi trồng đến lúc cho lần thu hoạch đầu tiên mất từ 3 đến 5 năm và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Rau sắng thường mọc trong rừng sâu, trên những vách núi cao. Cây mọc trên vách núi cao thì tuổi đời cây càng cao, chất lượng rau càng ngon ngọt lạ thường.
Theo kinh nghiệm dân gian, rau sắng thường dùng để nấu canh, có thể nấu với xương lợn, thịt lợn, tôm nõn giã nhỏ, thịt gà, cá rô, cá quả… mỗi thứ một vị, đều rất thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của rau sắng.
Rau càng cua
Món nộm rau càng cua trồn dầu giấm giòn mát. Ảnh: Bếp Nhà Béo.
Rau càng cua là loại rau mọng nước có vị ngọt ngọt, the the và đặc biệt có chút nhẫn nhẫn, ăn một lần là nhớ. Theo Đông y, rau càng cua có vị chua, tính sinh miễn dịch, giải nhiệt, nhiều chất bổ.
Rau càng cua thường được dùng để làm các món nộm, chỉ cần rửa sạch rồi trộn cùng dầu giấm ăn kèm trứng luộc cũng đủ làm dậy lên vị ngon của loại rau này.
Minh Vân
(Theo Ngôi sao)