Tại sao trẻ cần ăn bổ sung từ tháng thứ 6 ?

Ăn bổ sung là hình thức bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày). Sau giai đoạn này, do nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đáp ứng đủ vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều bà mẹ có quan niệm sai lầm rằng cho trẻ ăn bổ sung sớm, trẻ sẽ cứng cáp hơn và trẻ không bị đói. Vì vậy nhiều trẻ được ăn bổ sung từ tháng thứ 4, 5 thậm chí cũng không ít trường hợp còn được ăn bổ sung từ tháng tuổi thứ 3. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng. Đặc biệt một số bà mẹ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cho trẻ ăn cơm nhai, cơm mớm rất mất vệ sinh, thậm chí còn là nguồn lây lan truyền bệnh cho trẻ.

Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ ăn bổ sung sớm sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa, ảnh hưởng đến tiêu hóa, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Thức ăn bổ sung thường khó tiêu, nên bé sẽ biếng ăn. Không đủ chất dinh dưỡng, bé sẽ chậm tăng cân và dễ bị suy dinh dưỡng. Đối với trẻ em thì chế độ ăn bổ sung từ tháng thứ 6 trở đi được tuần tự từ các thức ăn lỏng như sữa, chuyển sang bột loãng, bột đặc rồi cháo và cơm.

Trẻ cần ăn bổ sung từ tháng thứ 6

Ngược lại, khi cho trẻ ăn bổ sung quá muộn, lúc này sữa mẹ sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thì trẻ sẽ chậm tăng cân. Vì sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ, nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung. Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm từ 1-2 bữa bột trong một ngày.

BS. Tiến Thành

Rate this post