Món cháo “xua” giá rét

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, khi tiết trời giá lạnh, việc lựa chọn và chế biến các món ăn – bài thuốc (dược thiện) có công dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chủ động phòng chống các bệnh lý do hàn tà gây nên là hết sức cần thiết. Bài viết này xin được giới thiệu một số công thức điển hình để độc giả tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Cháo thịt dê: Thịt dê 250g rửa sạch, thái miếng nhỏ đem luộc với một củ cải cho hết vị gây, sau đó bỏ hết củ cải ra rồi cho 150g gạo vào hầm nhừ thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: làm ấm tỳ vị, bổ ích khí huyết, đặc biệt phù hợp với người già trong những ngày đông giá.

Cháo tôm nõn: Tôm nõn 50g, gạo tẻ 150g, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, cho thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: bổ thận tráng dương, làm ấm cơ thể, đặc biệt thích hợp nhất đối với người có thể chất dương hư biểu hiện bằng các chứng trạng như sợ lạnh, đầu choáng mắt hoa, đau lưng mỏi gối, suy giảm khả năng tình dục.

 

 

Cháo cá mè: Thịt cá mè 150g đã lọc hết xương, thái miếng, trộn với muối và một chút gừng thái chỉ, cho vào nồi cháo gạo đã ninh nhừ, đun thêm vài phút, múc ra ăn nóng. Công dụng: kiện tỳ ích vị, thông kinh hoạt lạc lạc, chống lạnh, thích hợp nhất đối với những người tỳ vị dương hư biểu hiện bằng các chứng trạng mệt mỏi, sợ lạnh, đầy bụng chậm tiêu, đi lỏng.

 

 

Cháo hải sâm: Hải sâm 2 con đã ngâm nước cắt thành lát, cho thêm 10 quả táo hầm cùng với 150g gạo thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: kiện tỳ dưỡng vị, bổ thận ích khí, ấm lưng trừ lạnh.

Cháo hẹ: Gạo tẻ 150g đem nấu thành cháo rồi cho 100g rau hẹ đã thái nhỏ đun sôi vài phút là được, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: ôn bổ tỳ và thận  dương, đặc biệt thích hợp với những người dương khí hư suy, lưng gối lạnh và đau.

Cháo hạt dẻ: Hạt dẻ đã bóc vỏ 100g, gạo tẻ 150g, hai thứ đem hầm nhừ thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: ôn bổ thận dương, kiện tỳ ích vị, tăng cường nhiệt lượng và nâng cao sức sức chống lạnh cho cơ thể.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Rate this post