Nguyễn Văn Hoan ([email protected])
Trong thư bác nói đã mổ lấy sỏi nhưng không rõ sỏi ở túi mật hay đường mật, một sỏi hay nhiều sỏi. Vì có hai loại sỏi mật khác nhau về bệnh sinh cũng như về chữa trị và dự phòng.
Thứ nhất là sỏi túi mật hay gặp ở những người mập phì do ăn uống vô độ, diễn biến lâu năm, có những đợt cấp, đau tăng và sốt do túi mật bị viêm. Nguyên nhân do dinh dưỡng cho nên cần có chế độ ăn uống hợp lý: ăn ít chất béo, nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ, hạn chế đồ ăn có nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng gà, da gà vịt, ngan, phủ tạng động vật…
Thứ hai là sỏi đường mật: do giun đũa chui lên đường mật, gây viêm nhiễm rồi đẻ trứng hay chết tại đó; xác và trứng giun tạo điều kiện cho sắc tố mật vón dần lại thành một hay nhiều viên rải rác trong đường mật. Nếu sỏi làm tắc ống mật chủ sẽ gây ứ mật hoàn toàn, kể cả túi mật, có thể làm cho thành túi mật giãn mỏng kèm theo viêm cấp và vỡ ra.
Vì nguyên nhân thường do giun đũa nên nếu không tái nhiễm giun coi như không còn tái phát sỏi. Phòng ngừa bằng cách vệ sinh ăn uống: không uống nước chưa đun sôi, không ăn rau sống để hạn chế nhiễm trứng giun sán, trước khi ăn cần rửa tay sạch sẽ. Định kỳ tìm trứng giun sán trong phân, nếu có phải tẩy ngay. Do vậy, kể cả đã được mổ lấy sỏi bác vẫn nên siêu âm định kỳ để phát hiện sỏi tái phát. Còn chế độ ăn kiêng thì tùy loại sỏi như đã nói ở trên.
BS. Trần Quang Nhật