Nên thay đổi thói quen “tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để ăn Tết”

 

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế  cho rằng, ở nước ta hiện vẫn phổ biến khái niệm “ăn Tết”, do đó lượng thực phẩm sử dụng trong thời gian này rất lớn, có sự gia tăng đột biến. Dịp Tết nguyên đán này, dự báo các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát…

TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho hay, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm… rất dễ ôi thiu.

“Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết bởi hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn được các siêu thị, chợ lớn nhỏ bán sẵn từ ngày 1, mùng 2 nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Đặc biệt người dân đừng coi chiếc tủ lạnh là một “bảo bối” tích trữ thực phẩm vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Tùy từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản khác nhau”- ông Phong nói

Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân đừng biến tủ lạnh thành “kho” bảo quản thực phẩm dịp tết

Theo khuyến cáo, các loại thịt tươi để trong tủ lạnh tốt nhất nên dùng trong 3-5 ngày, cá 3 ngày. Với thức ăn chín, chỉ nên lưu cho bữa sau. Để lâu, thực phẩm chín sẽ sinh ra độc tố, ngay cả khi đun nấu, chỉ diệt được vi khuẩn còn độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên.

Bảo quản, sử dụng bánh chưng thế nào cho an toàn?

Theo Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết. bánh chưng là món ăn ngon truyền thống, tương đối cân bằng các nhóm thực phẩm (glucid, protein, lipid) và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu không được bảo quản đúng cách, bánh rất dễ bị ôi, thiu, lên mốc khiến người ăn có thể bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Để có bánh chưng ngon, ngoài việc chọn nguyên liệu đảm bảo nguồn gốc, đảm bảo chất lượng thì việc thực hiện các lưu ý dưới đây sẽ làm cho bánh thêm ngon và bảo quản bánh được lâu hơn:

Lá dùng để gói bánh nên được rửa kỹ và để ráo nước: Mọi người thường không gói bằng lá dong đã được luộc, tuy nhiên đó là cách giúp bánh để được lâu hơn.

Rửa lại bánh bằng nước sạch sau khi luộc chin: Cách này giúp loại bỏ nước, nhớt khi luộc còn bám trên bánh, tránh cho bánh bị ôi thiu nhanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng.

Việc sử dụng bánh chưng bị mốc gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Ép bằng vật nặng để bánh ém chặt lại hơn: Bạn dùng mâm hoặc vải nilon phủ lên, sau đó đặt vật nặng đè lên trên. Cần để vật nặng đè đều lên tất cả số bánh vừa luộc.

Để bánh chưng nơi mát và thoáng gió: Bánh sẽ khô se phần mặt, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được lâu.

Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh: Nhiều người quan niệm bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng). Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn thì dùng màng che thực phẩm bao kín.

Nên hạn chế rán bánh vì làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe.

Không ăn bánh chưng đã bị mốc trắng, lên men mùi chua: Tất cả thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin. Do đặc thù thời tiết dịp Tết nên các loại hạt như hướng dương, lạc, đậu, bánh chưng… rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tuy nhiên người Việt hay có thói quen rửa nấm mốc rồi lại sử dụng, như bánh chưng mốc, nhiều gia đình vẫn cắt phần đầu bánh bị mốc rồi rán ăn bình thường.

“Viêc cắt nấm mốc chỉ đảm bảo nhãn quan bên ngoài, cái quan trọng là độc tố có trong nấm ngấm sâu trong thực phẩm mới nguy hiểm, gây hại cho cơ thể. Vì vậy người dân không nên tận dụng các sản phẩm đã bị nấm mốc”- TS Nguyễn Thanh Phong nói

Tết- đừng để trờ thành nạn nhân của ngộ độc rượu

Sử dụng rượu bia hợp lý để tránh phải trở thành nạn nhân của thức uống này dịp tết

Thời gian qua Trung tâm chống độc- BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng loạt ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol.

Những trường hợp này nguy cơ tử vong rất lớn, điều trị tốn kém, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, trường hợp cứu sống có thể gặp các di chứng như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ.

Do đó, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia, nhất là khi điều khiển phương tiện giao thông. Nếu uống, nên hạn chế và sử dụng rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh ngộ độc.

Đối với trẻ em, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong lưu ý các bậc phụ huynh, dịp Tết bánh kẹo, nước ngọt là những thực phẩm khoái khẩu của trẻ. Nếu không để mắt, trẻ ăn, uống thoải mái rất dễ gây rối loạn tiêu hóa, đầy bụng

Thái Bình

Rate this post