10 cách để tránh thức ăn bị ôi thiu mùa hè

Vi khuẩn trong thức ăn nhân lên nhanh hơn trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm. Phần lớn nhà bếp tại các gia đình không được thiết kế cho việc bảo quản an toàn một lượng lớn thực phẩm. Hơn nữa, việc nấu nướng và ăn uống ngoài trời, trong những buổi cắm trại cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, khi mà tủ lạnh và chỗ rửa tay không có sẵn.

Ngộ độc thực phẩm có thể gây nôn mửa và tiêu chảy, tình trạng này nghiêm trọng hơn ở trẻ em, người già và những người có thể trạng kém. Đừng để ngộ độc thực phẩm phá hỏng mùa hè của bạn và gia đình bằng cách làm theo những bước bảo quản thực phẩm tươi ngon và an toàn này nhé!

Chỉnh lại nhiệt độ bảo quản

Ngăn mát tủ lạnh nên để dưới 5oC và ngăn đá từ – 15 đến – 18oC, thùng giữ lạnh nên dùng đá sạch hoặc túi đá khô. Thịt và rau sống nên được bảo quản ở 5oC hoặc thấp hơn để tươi lâu.

 

Nhanh chóng bảo quản sau khi mua

Đồ ăn đông lạnh hoặc đồ ăn nóng sau khi mua nên được nhanh chóng đưa về nhà trong các hộp bảo quản.

Giữ nóng thức ăn

Nếu bạn không muốn thức ăn bị nguội ngay thì nên giữ chúng ở 60oC hoặc cao hơn. Làm nóng đều đến lúc bốc hơi (trên 75oC) hoặc sôi

Đừng chờ thức ăn nguội hẳn rồi mới cho vào tủ lạnh

Ngay khi thức ăn ngừng bốc hơi, hãy cất chúng vào tủ lạnh càng sớm càng tốt . Trước hết hãy làm lạnh nhanh bằng cách nhúng hộp đựng thức ăn vào trong nước lạnh hoặc đá. Chia thức ăn thành các phần nhỏ, cất vào các hộp nông để chúng được làm lành nhanh hơn.

Để riêng thực phẩm sống và chín

Vi khuẩn trong thịt sống xâm nhập vào đồ ăn chín có thể gây ngộ độc. Hãy để thịt sống ở dưới cùng để nước thịt không dính vào đồ ăn khác. Không dùng chung thớt để thái đồ sống và đồ chín, nếu muốn dùng chung, hãy rửa thật sạch giữa các lần dùng. Rửa kĩ tay sau khi động vào thịt sống.

Rã đông thực phẩm

Trừ khi thức ăn được sản xuất để nấu ngay khi vẫn còn đông đá (xem hướng dẫn in trên bao bì), còn lại hãy đảm bảo rằng thực phẩm được rã đông đều cả trong lẫn ngoài, đều các mặt trước khi mang đi nấu.

Đừng chất đầy tủ lạnh

Bên trong tủ lạnh, cần có những khoảng trống để lưu thông khí, tạo hiểu quả khi làm lạnh. Một mẹo nhỏ để tiết kiệm không gian trong tủ lạnh khi bạn dự trữ thực phẩm cho nhiều người là cất nước uống trong các thùng giữ lạnh và để dành phần trống trong tủ lạnh để đựng thức ăn.

Bảo quản đồ ăn thừa một cách an toàn

Hãy bảo quản đồ ăn thừa trong ngăn mát tủ lạnh và ăn chúng trong vòng 3-5 ngày. Nếu bạn không định ăn chúng trong vòng 3-5 ngày, hãy cất chúng trong ngăn đá.

Biết khi nào nên bỏ

Đừng ăn thức ăn đã để ra ngoài tủ lạnh quá 4 tiếng- đặc biệt là các loại thịt, hải sản, cơm và mỳ ống đã nấu chín.

Tránh đưa thức ăn cho người khác nếu bạn thấy không khỏe

Nếu bạn đang bị tiêu chảy, nôn mửa, đau họng kèm sốt, sốt, vàng da, hoặc nhiễm khuẩn da, hãy tránh gắp, đưa hoặc chuẩn bị thức ăn cho người khác. Nếu tình trạng này kéo dài, hãy đến bác sĩ.

TS.BS. Trương Hồng Sơn – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Rate this post