Nghe bác sĩ thông báo bệnh trạng, anh Hùng ngỡ ngàng không biết tại sao mình lại mắc ung thư vòm hầu. “Tôi không hề hút thuốc, uống rượu hay ăn thực phẩm lên men. Trong nhà không có người bị ung thư vòm hầu nên ai cũng bất ngờ khi biết tôi mắc bệnh”, viên kỹ sư cơ khí 33 tuổi ở TP HCM chia sẻ.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân
Theo anh Hùng, gần đây thường xuyên cảm thấy đau họng, ù tai và khạc ra máu. Anh khám ở một số bệnh viện, có nơi bác sĩ kết luận là viêm xoang, nơi khác chẩn đoán viêm tai giữa. Bác sĩ kê toa thuốc uống trong vài tuần nhưng không khỏi. Nghi ngờ bị ung thư, anh đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM khám và làm xét nghiệm thì phát hiện ung thư vòm hầu di căn.
Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Phó Trưởng khoa Xạ 3, cho biết kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị ung thư vòm hầu giai đoạn hai, di căn hạch cổ kích thước 2,5 cm, hạch hầu sau 15 mm và đang hoại tử. Các bác sĩ hội chẩn quyết định điều trị ca này bằng phương pháp hóa xạ trị kết hợp, tiên lượng khả năng trị khỏi trong 5 năm khoảng 85%.
Theo bác sĩ Hoàng, nguyên nhân mắc ung thư vòm hầu hiện chưa rõ. Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như nhiễm virus EBV, tính di truyền, người thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, ăn nhiều cá mắm, dưa cà muối, thịt muối, thịt xông khói, uống nhiều bia, rượu, nghiện thuốc lá, nhiễm trùng mạn tính, vệ sinh răng miệng kém…
“Ung thư vòm hầu không có triệu chứng rõ ràng nên dễ nhầm với viêm xoang, viêm amidan hay các bệnh về hầu, họng khác”, bác sĩ khuyến cáo.
Do vậy ông khuyên mọi người khi bị các triệu chứng như đau đầu, đau họng, ù tai, khạc ra máu, chảy máu cam kéo dài nên đi khám chuyên khoa để được điều trị. Theo thống kê, ung thư vòm hầu nếu phát hiện sớm khả năng chữa khỏi hẳn từ 80 đến 90%. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ bị nhiều biến chứng, tỷ lệ sống còn chỉ khoảng 35%.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.