Ảnh minh họa: Fertilityauthority.com. |
Mấy tháng trước, chị Nhi, 26 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội) thấy rất ngứa ở vùng kín. Vốn giữ vệ sinh sạch sẽ nên chị nghĩ ngay là tại chồng có quan hệ lăng nhăng bên ngoài, về lây bệnh cho vợ. Thế nhưng, khi chị hỏi thì anh chồng chối bay, còn nổi giận đùng đùng vì vợ ghen bóng gió, nghi oan cho mình.
Về phần mình, chị Nhi đi khám ở nhiều nơi, từ da liễu đến phụ khoa, dùng cả thuốc đặt lẫn thuốc bôi nhưng chẳng đỡ. Suốt mấy tháng liền chị chịu đựng cảm giác ngứa ngáy khó chịu đó mà không biết làm thế nào.
Gần đây, chị Nhi lại đến khám tại một cơ sở y tế tư nhân và được chỉ dẫn làm hết các xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân do nấm, khuẩn hay nhiễm Cladimia. Kết quả cho thấy, chị không bị bất kỳ bệnh phụ khoa nào. Tuy nhiên, bác sĩ phát hiện ở các lỗ chân lông tại vùng kín lấm tấm các chấm trắng như dạng viêm nang lông và đó chắc chắn không phải là biểu hiện của bệnh sùi mào gà. Thấy bệnh nhân quá khó chịu, bác sĩ đã thử đốt điện các chấm này. Và kết quả ngoài mong đợi, sau đó một thời gian, chị Nhi đã khỏi hẳn ngứa.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Thái Hà, Hà Nội) cho biết, chị Nhi là một trong những bệnh nhân bị mắc một bệnh khá hiếm là Fox – Fordyce (tắc nghẽn các tuyến bã) ở vùng kín.
Do tuyến bã hoạt động quá phát, các bệnh nhân này thường có cảm giác ngứa dữ dội nhưng khi thăm khám, các bác sĩ thường không thể tìm ra nguyên nhân. Kết quả các xét nghiệm cũng cho thấy vùng kín của bệnh nhân không hề nhiễm virus, vi khuẩn hay nấm. Bởi vậy, các bác sĩ thường không thể điều trị bệnh, đôi khi để giảm triệu chứng này, họ cho bệnh nhân thuốc bôi ngoài da hay đặt trong âm đạo nhưng đều không hiệu quả.
Theo bác sĩ Dung, bởi vậy, các chị em bị bệnh này thường phải chịu đựng cảm giác ngứa kéo dài. Và nhiều khi, vì không chịu được, nhiều người đã gãi đến xây xát vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và mắc bệnh phụ khoa thật.
Bệnh nhân mà bác sĩ nhớ nhất là một phụ nữ đã gần 60 tuổi tên Mùi.
Theo lời bà Mùi kể, bà đã bị ngứa hơn hai chục năm nay, đi khám nhiều nơi, chữa nhiều thuốc nhưng cũng không khỏi. Bà lúc nào cũng có cảm giác khó chịu nên gãi mạnh đến nỗi vùng kín xây xước, nổi sẩn. Mới đây, khi đến phòng khám phụ khoa, thấy những nốt to này, bác sĩ nghi bị ung thư âm hộ nên đã tiến hành cắt các cục u và mang đi xét nghiệm. Thế nhưng, kết quả cho thấy đó không phải là khối u.
Lúc này, bác sĩ cũng sử dụng phương pháp đốt điện tại các nốt sẩn, ngứa và bà Mùi đã hết cảm giác khó chịu.
Theo bác sĩ Dung, tắc nghẽn tuyến bã không chỉ gặp ở vùng kín mà còn có thể xuất hiện xung quanh khu nách, vú – các vùng mà tuyến mồ hôi hoạt động mạnh nhất. Bệnh nhân mắc bệnh này không nhiều nên ở nước ta các bác sĩ cũng chưa để ý và nghiên cứu tới. Tuy nhiên, tại châu Âu, bệnh đã được nhắc tới từ lâu.
Theo bà, tại các nước đó, để điều trị triệt để bệnh, người ta phải tìm ra tuyến bã gây tình trạng ngứa này rồi cắt đi. Nhưng đây là một phẫu thuật rất phức tạp. Đơn giản hơn, có thể dùng phương pháp phá hủy tổn thương tại chỗ như đốt điện hoặc đốt laser. Một số bệnh nhân được áp dụng cách này đã có kết quả tốt.
Theo bác sĩ, ngứa vùng kín có thể là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, vì vậy chị em khi có biểu hiện này nhất thiết phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân và tư vấn cách điều trị phù hợp. Điều tối kỵ trong trường hợp này là tự ý bôi, đặt thuốc hay gãi mạnh. Bà cho biết, có nhiều người khi bị ngứa đã gãi đến mức vùng này xước xát, thậm chí rụng trụi lông. Theo bác sĩ, tốt nhất, chị em nên vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, để vùng này luôn được khô, thoáng, hạn chế sử dụng băng vệ sinh hằng ngày, tránh mặc quần chật.
Hải Phong
*Tên các bệnh nhân đã được thay đổi