Sai lầm hay gặp ở người cận thị

Sau khi đeo kính cận, Trung thấy luôn đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi. Bác sĩ cho biết đó là do hai mắt anh có độ cận khác nhau, nhưng hai tròng kính lại cùng một loại.

Thấy mắt mình ngày càng khó nhìn xa, Trung (19 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) nghĩ mình bị cận nên quyết định mua kính để đeo. Tại hiệu kính thuốc gần nhà, sau khi đo mắt, Trung được kết luận là cận 3 độ, và được bán cho một cặp kính khá điệu. 

Đeo vào, anh thấy nhìn rõ hơn nhưng không hiểu sao thấy không thoải mái. Cảm giác đó ngày càng rõ. Trung rất dễ bị mệt mỏi, hay đau đầu, chóng mặt, thị lực giảm. Đến kiểm tra lại ở Bệnh viện Mắt Trung ương, anh mới biết hai mắt mình có độ cận khác nhau, nên cần hai mắt kính khác nhau.

Theo bác sĩ Trần Thế Hưng, Bệnh viện mắt Sài Gòn – Hà Nội, sai lầm lớn nhất mà những người bị cận thị thường mắc là mua kính không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt, thường chỉ đo ở các hiệu kính thuốc – nơi có khi không đủ thiết bị cũng như chuyên môn để chẩn đoán bệnh về mắt. Nhiều người đã đi khám ở bác sĩ nhãn khoa và có chỉ định đúng, nhưng lại mua kính ở những nơi không đảm bảo nên lắp kính không đúng theo đơn (lắp sai khoảng cách đồng tử, sai số kính…) khiến mắt càng bị ảnh hưởng xấu.

Đối với trẻ em, việc đến khám ở các sĩ có chuyên môn sâu về nhãn khoa càng quan trọng, bởi mắt trẻ có độ điều tiết rất lớn. Nhiều khi máy đo tự động cho chẩn đoán cận thị nhưng thực ra mắt chỉ mệt do điều tiết nhiều, những lúc ổn định nếu đo sẽ có kết quả khác.

Một số sai lầm thường gặp khác

Không tái khám định kỳ theo hẹn: Tuỳ theo mức độ tiến triển của bệnh mà bác sĩ hẹn khám lại sau 1-3-6 tháng hoặc 1 năm. Nhiều người chỉ đi khám một lần để mua kính, nhưng sau đó độ cận thay đổi. Nếu không được đổi kính phù hợp, mắt sẽ bị tổn hại.

Không đeo kính hoặc đeo kính sai độ: Nhiều người vì ngại xấu hoặc cho rằng đeo kính sẽ bị phụ thuộc vào nó, khiến mắt kém hơn. Thực ra, kính là dụng cụ hỗ trợ cho mắt; không có nó, mắt phải cố điều tiết để nhìn rõ khiến trục nhãn cầu càng dài thêm, làm tăng độ cận. Việc đeo kính có số thấp hơn độ cận cũng làm bệnh nặng thêm, có thể dẫn đến nhược thị.

Tin rằng có thể chữa cận bằng châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt hay uống thuốc bổ: Các phương pháp này không thể làm trục nhãn cầu co ngắn lại nên không thể chữa được cận thị. Hiện chỉ phẫu thuật mới làm được điều đó. Một số bệnh nhân điều trị bằng các cách trên và thấy mắt nhìn tốt hơn. Đó có thể là do việc châm cứu, bấm huyệt, massage và thuốc bổ làm tăng sức khoẻ thể trạng và sức khoẻ của mắt, vốn chỉ bị mệt mỏi và nhìn kém do điều tiết chứ không thực sự bị cận.

Một số lưu ý trong sinh hoạt

Để bảo vệ mắt, góc học tập và làm việc nên đặt ở nơi đủ sáng nhưng nên tránh những chỗ ánh nắng quá nhiều vì cũng sẽ làm hại mắt.

Nếu học và làm việc ban đêm, ngoài đèn chung trong phòng còn cần một đèn bàn để ở phía đối diện với tay cầm bút, có chụp phản chiếu.

Không nên tắt hết đèn khi xem TV bởi ánh sáng chói từ màn hình sẽ làm hại mắt. Tuy nhiên, tránh để ánh đèn phản xạ trực tiếp lên màn hình. Nên ngồi cách một khoảng bằng 7 lần chiều rộng của TV (khoảng 3,5 m với TV 21 inch).

Không nên đọc sách khi đi tàu xe, vì chuyển động lắc lư gập ghềnh sẽ khiến mắt phải điều tiết liên tục, dẫn đến mệt mỏi. Nên nhìn cảnh vật phía trước xe để thư giãn thị giác.

Khi ta đặt sách lên mặt bàn, khoảng cách từ mắt tới đầu trang sách sẽ lớn hơn là tới cuối trang, nên mắt bị áp lực nhiều hơn khi đọc đến cuối. Vì vậy, nên để nghiêng sách một góc khoảng 20 độ.

Hải Hà

 

Rate this post