50% học sinh được hỏi cho biết ánh sáng trong lớp học chỉ ở mức vừa đủ, 43% cho rằng tối. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khảo sát về mắt do Cục Y tế dự phòng thực hiện cũng cho thấy tỷ lệ học sinh mắc các tật về mắt (cận, viễn, loạn thị) là 49,16%, trong đó cận thị chiếm 48,1%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: xem tivi và chơi điện tử liên tục trên 2 giờ mỗi ngày, đọc sách thời gian dài trong điều kiện thiếu hoặc thừa sáng, sách in chất lượng kém… Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trần Thanh Ý, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), nguyên nhân chủ yếu là chất lượng ánh sáng tại trường học không đảm bảo.
“Thời lượng tối thiểu của một học sinh lên lớp trong một ca học là khoảng 4 giờ, với chất lượng chiếu sáng không đảm bảo thì thật là một hậu quả khó lường”, thạc sĩ Ý nhấn mạnh trong hội thảo sáng nay tại Hà Nội về “Chiếu sáng học đường”.
Theo các chuyên gia y tế, việc học tập và làm việc lâu dài trong môi trường thiếu sáng, chiếu sáng mất tiện nghi là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy giảm thị lực. Thiếu sáng làm thị lực căng thẳng, mệt mỏi, hiệu suất tiếp thu bài thấp.
Thạc sĩ Trần Thanh Ý cho biết việc chiếu sáng trong học đường hiện còn tồn tại nhiều bất cập, như: Nguồn sáng được bố trí không thích hợp, rất nhiều trường học bố trí hệ thống đèn ngược sáng (đèn được lắp từ phía tường treo bảng) hoặc bố trí đèn gây sấp bóng. Một số nơi vẫn lắp đèn ngay dưới quạt hoặc tường bên khiến độ chiếu sáng không ổn định vì bị ảnh hưởng bởi quạt trần khi hoạt động.
“Một thực trạng nguy hiểm là 75% phòng học không có đèn chiếu bảng. Có lớp học đèn huỳnh quang được gắn ngay trên bảng, khiến bảng bị lóa, học sinh rất khó nhìn chữ”, thạc sĩ Ý nói.
Bên cạnh đó, trong chiếu sáng chao đèn có tác dụng khuếch tán đều ánh sáng, tăng hiệu suất chiếu sáng, hạn chế lóa mắt nhưng hiện nay 87% đèn tại các lớp học không được lắp chao đèn. Tại vị trí treo bảng có nơi sử dụng đèn chiếu sáng bảng nhưng không có chao đèn gây lóa bảng, nhất là khi sử dụng loại bảng không phẳng và dùng loại bảng bóng, nhẵn.
Phó giáo sư Phạm Đức Nguyên, Viện Nghiên cứu thiết kế trường học cho biết, chiếu sáng trong lớp học phải đảm bảo độ sáng được phân bố với mức độ nhất định, không tạo ra những vùng sáng tối chênh lệch quá lớn. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến màu sắc của ánh sáng, hạn chế chói lóa…
Để hạn chế lóa phản xạ, các trường nên dùng các đèn có chao chụp với góc che thích hợp, bố trí đèn đúng kỹ thuật, không dùng mặt bàn đánh bóng, nên dùng bảng sơn mờ mầu xanh. Đèn nên được treo ở vị trí sao cho ánh sáng chiếu từ bên trái hoặc từ hai bên người ngồi học. Thiết kế chiếu sáng trong phòng có hướng nhìn song song với cửa sổ, không nên bố trí hướng ra cửa sổ hoặc quay lưng lại.
Nam Phương