Điều tra của Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp nhưng không biết. 40% người biết mình bị tăng huyết áp thì chưa điều trị và 64% người bệnh điều trị mà không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg).
Ngày 17/5, phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Quốc gia cho biết, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch hàng đầu. Bệnh phát triển âm thầm từ từ và ngày càng phổ biến. Trước năm 2000, hơn 60% bệnh nhân nội trú tại Viện là do bệnh lý van tim như hẹp, hở van tim… Chỉ 10-20% bệnh nhân bị biến chứng của tăng huyết áp gồm suy tim, đột quỵ, phình tách động mạch chủ… Bảy năm sau, trong 23.000 lượt bệnh nhân vào viện thì chỉ 20% do bệnh lý van tim, còn lại bị biến chứng tăng huyết áp.
Người dân được đo kiểm tra huyết áp miễn phí tại Viện Tim mạch Quốc gia. Ảnh: N.Phương. |
“Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Ai cũng có thể bị cao huyết áp”, phó giáo sư Hùng nhấn mạnh.
Theo giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị và kiểm soát thì có thể để lại biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Trong khi đó, bệnh đang phổ biến trong cộng đồng, nhiều người mắc bệnh mà không biết, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp.
Năm nay, ngày Tăng huyết áp thế giới (17/5) đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về tính chất phổ biến và nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp. Chiến dịch đo huyết áp miễn phí được các quốc gia trong đó có Việt Nam triển khai để tầm soát, phát hiện người mắc bệnh mà không biết. Tuần lễ đo huyết áp miễn phí tổ chức ở 25 tỉnh thành cả nước trong tháng 5.
“Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Việc kiểm soát huyết áp giúp giảm các biến chứng”, giáo sư Việt nói.
Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn tăng huyết áp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị tăng huyết áp cũng có triệu chứng này. Nhiều người bị tăng huyết áp không triệu chứng, bỗng dưng một ngày bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Để phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng, người bị tăng huyết áp cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý và giảm muối. Ăn nhiều rau, hoa quả; hạn chế rượu bia. Không hút thuốc lá. Vận động thể lực nhiều. Duy trì cân nặng phù hợp. Khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần uống thuốc đều, lâu dài cả khi không có triệu chứng và huyết áp ở mức bình thường.