Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, một trong 6 mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu đến năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới là không tăng tỷ lệ thừa cân béo phì. Tuy nhiên tại Việt Nam sau 10 năm tỷ lệ này tăng đến 9,2 lần; xảy ra ở mọi lứa tuổi.
“Đừng nghĩ người nghèo không bị thừa cân béo phì; tỷ lệ này ở người giàu nhất và hộ nghèo nhất không hề kém tý nào”, bà Mai nói. Tỷ lệ béo phì ở thành thị cao hơn nông thôn, thành phố lớn cao hơn thành phố nhỏ nhưng giữa xã nghèo và xã không nghèo thì không khác gì nhau. Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhận xét: “Chúng ta cứ nghĩ vấn đề béo phì chỉ là vấn đề của nơi giàu nhưng thực tế lại không phải như vậy. Lý do vì tình trạng này còn liên quan đến dinh dưỡng bữa ăn”.
Ảnh minh họa: Ibtiems |
Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự gia tăng tiêu thụ đồ uống có ga. Kết quả cuộc khảo sát toàn cầu về sức khỏe học sinh 5-19 tuổi thực hiện tại Việt Nam gần đây cho thấy 1/3 các em được hỏi cho biết uống đồ uống có ga ít nhất một lần trong 30 ngày – con số rất đáng báo động; đặc biệt ở lứa tuổi 13-15.
Theo tiến sĩ Mai, loại đồ uống có ga giàu năng lượng nhưng lại nghèo vi chất dinh dưỡng. Chúng thường ngọt cung cấp cơ thể đường đơn, đường đôi; cung cấp năng lượng rất nhanh nhưng không có đường đa. Vì thế trẻ tăng đồ uống có ga đồng nghĩa tăng tiêu thụ đường đơn, đường đôi, đi ngược lại khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới năng lượng do loại đường này cung cấp chỉ chiếm dưới 5%.
Lấy ví dụ trẻ 15 tuổi cần 2.000 kcal nhưng vậy chỉ có 100 kcal từ đường đơn, đường đôi; 1 g đường có 4 kcal. Như vậy một ngày trẻ tiêu thụ không quá 25 g loại đường trên. Thế nhưng thực tế loại đường này tồn tại trong rất nhiều loại thực phẩm nước sốt mức, bánh kẹo, thực phẩm chế sẵn, đặc biệt nhiều loại nước có ga chứa đến 36 thậm chí 60 g đường. Như vậy việc trẻ sử dụng đồ uống có ga chỉ cung cấp năng lượng rỗng, liên quan đến tạo mỡ, thừa cân, béo phì.
Công thêm việc vận động tiêu hao, chuyển hóa năng lượng ngày càng hạn chế cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ trẻ bị béo phì. Theo điều tra trên có đến hơn 30% trẻ giành 3 giờ một ngày cho các hoạt động tư thế ngồi ăn, xem tivi, chơi điện tử… ở nhà, chưa tính ngồi ở trường. Tỷ lệ này ở trẻ 16-17 tuổi lên đến 50%, ở lứa tuổi 13-15 là khoảng 34%, tiến sĩ Mai cho biết.
Theo bà, vận động của trẻ trong xã hội hiện nay giảm rất nhiều. Giờ đây trẻ sống trong phòng điều hòa, không toát mồ hôi; quạt tay được thay bằng quạt điện; chỗ chơi không có; xem tivi, máy tính nhiều… Sự tiêu hao năng lượng giảm; cộng thêm mỗi gia đình hiện nay chỉ sinh 1-2 con, tình yêu của bố mẹ đều dồn vào con, chăm sóc quá kỹ lưỡng nhưng kiến thức đôi khi không đúng, thực hành dinh dưỡng không hợp lý dẫn đến trẻ bị thừa cân béo phì. Một nghiên cứu gần đây tại Hà Nội cho thấy có đến 53% bà mẹ không hề biết con nặng hơn mức chuẩn.
Trẻ bị thừa cân béo phì ở tuổi ấu thơ rất dễ bị tình trạng này khi trưởng thành, để lại nhiều hậu quả. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành.
Nam Phương