Mycoplasma pneumoniae là tác nhân đáng chú ý nhất trong viêm phổi cộng đồng với tỉ lệ 10-30%. Các bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản, các dạng ít gặp hơn là sốt kéo dài, tổn thương thần kinh, da, tim mạch, cơ, xương.
M. pneumoniae có thể gây thành dịch ở những vùng thành thị, thường khởi phát vào mùa thu và tồn tại trong cộng đồng từ 12-30 tháng với chu kỳ từ 3-7 năm. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ các giọt chất tiết đường hô hấp bắn ra khi ho, thường trong giai đoạn cấp của bệnh. Khác với những bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác như cúm, sởi…, sự lây truyền M. pneumoniae chậm chạp và kín đáo hơn.
Hơn 30 năm qua, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm M. pneumoniae chiếm một tỉ lệ rất cao trong các bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, đặc biệt ở trẻ em trên 5 tuổi, tỉ lệ phân lập thay đổi từ 18 đến 40%.
Triệu chứng của bệnh
Khởi bệnh từ từ là đặc điểm giúp phân biệt với những nhiễm trùng hô hấp do các siêu vi như cúm và adenovirus. Sau thời gian ủ bệnh kéo dài 2-3 tuần, bệnh khởi phát với các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, sốt, sổ mũi, ho, khò khè… Ở trẻ em, sốt và ho thường là triệu chứng khởi phát, cũng là lý do khiến bệnh nhân nhập viện. Sốt thường không cao, dưới 39 độ C, triệu chứng ho nổi bật nhất, ho liên tục, khởi đầu ho khan sau đó có đàm, ho nặng dần trong 2 tuần lễ đầu rồi giảm dần. Có trường hợp ho kéo dài từ 3-4 tuần, triệu chứng này quan trọng và gợi ý ngay đến chẩn đoán nhiễm M. pneumoniae thể phổi. Các triệu chứng khác của đường hô hấp cũng có thể gặp như chảy mũi, viêm họng. Ngoài ra ói, tiêu chảy, chán ăn là những triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, trong khi mệt mỏi, nhức đầu thường ghi nhận ở trẻ lớn.
Tổng trạng bệnh nhân thường ít thay đổi, mặc dù bệnh thường kéo dài nhiều tuần, khám phổi có thể thấy triệu chứng viêm phổi (ran phế nang, ran phế quản), hoặc có thể không phát hiện được triệu chứng gì. Những triệu chứng ngoài phổi như phát ban ngoài da, mề đay, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, thiếu máu, viêm não, viêm màng não, viêm tủy là những dạng rất hiếm gặp.
Điều trị bệnh
M. pneumoniae nhạy cảm với kháng sinh họ Macrolide như erythromycin, clarithromycin, azythromycin, rocithromycin, tetracycline, chloramphenicol và một số aminoglycoside, quinolone. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 2-3 tuần, triệu chứng ho thường khỏi lâu nhất. Hình ảnh tổn thương trên X-quang biến mất chậm, có thể tồn tại kéo dài nhiều tuần sau khi bệnh nhân khỏi bệnh. Các biện pháp điều trị khác là đảm bảo dinh dưỡng, uống nước đầy đủ và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng trong 2 tuần.
Cách chăm sóc trẻ bệnh
– Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, uống nhiều nước.
– Tránh tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh vì sẽ kích thích trẻ ho.
– Đối với trẻ bú mẹ, vẫn tiếp tục cho trẻ bú, cần tăng số lần bú và kéo dài thời gian mỗi lần bú, vì khi bệnh cơ thể trẻ sẽ rất yếu, làm khả năng mút vú kém đi. Nếu trẻ bú không đủ, có thể vắt sữa và cho trẻ uống bằng muỗng.
– Đối với trẻ lớn, cho trẻ ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu hóa, chia nhỏ lượng thức ăn của mỗi bữa và tăng số lần ăn. Cho trẻ uống nhiều nước.
– Sau khi trẻ khỏi bệnh, tăng lượng và số lần ăn để giúp trẻ phục hồi dinh dưỡng.
Nếu điều trị không đúng, bệnh có thể diễn tiến nặng gây suy hô hấp, tử vong (khoảng 1,4%) hoặc làm giảm chức năng hô hấp sau này. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng thì đa số các trường hợp bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Điều trị bệnh, ngoài mục đích tiêu diệt vi khuẩn để giảm bớt triệu chứng, còn nhằm rút ngắn thời gian có triệu chứng để hạn chế lây lan. Thuốc chủng ngừa M. pneumoniae đã được nghiên cứu từ năm 1965, tuy nhiên hiệu quả thấp và tỉ lệ tái nhiễm rất cao, do vậy cách ly trẻ bệnh vẫn là biện pháp phòng ngừa chính để giảm lây lan.
Cần thiết nghĩ đến M. pneumoniae trong các trường hợp ho kéo dài, không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh nhóm beta lactamine.
BS. Nguyễn Kim Thoa, Sức khỏe và Đời sống