Tuyệt chiêu phòng bệnh hen lúc giao mùa

Thổi bóng bay là cách mẹ Bin hướng dẫn con làm mỗi ngày để hạn chế bệnh hen tái phát. Nguyễn Hùng Anh, tên ở nhà là Bin, đang học lớp 3 ở Hà Nội. Bin mắc bệnh hen từ khi 5 tuổi, ban đầu chỉ khò khè, đờm nhiều ở cổ họng. Về sau, các triệu chứng nặng dần, đôi lúc bé không thở nổi khi lồng ngực bị co thắt lại. Chị Nguyễn Phương An, mẹ Bin nhiều lần đưa con đi khám và điều trị nhưng bệnh chỉ thuyên giảm rồi lại đâu vào đấy.

“Sợ nhất là những lúc giao mùa, thời tiết nồm ẩm, trời chuyển lạnh hoặc nóng lạnh thất thường là cu cậu có thể lên cơn hen bất cứ lúc nào”, người mẹ chia sẻ.

Mỗi khi lên cơn hen, Bin thường phải dùng thuốc xịt cắt cơn giúp giãn phế quản và dễ thở hơn. Tuy nhiên lạm dụng phương pháp này rất nguy hiểm, lâu dần Bin sẽ nhờn thuốc. Xác định đây không phải giải pháp lâu dài, chị Phương An loay hoay tìm cách “cứu” con.

thuoc-hen-jpg-1366796239_500x0.jpg

Hiện nay, Đông y có nhiều vị thuốc cổ phương bào chế từ các bài thuốc “Tiền hồ thang gia vị”, “tô tử giáng khí thang”, hay “Tiểu thanh long thang”… có tác dụng chữa bệnh hen hiệu quả. 

Gia nhập hội các bà mẹ có con bị bệnh hen trên mạng xã hội, chị An được nhiều người chia sẻ bí quyết thổi bóng bay mỗi ngày để hạn chế tái phát các cơn hen. Lúc đầu, chị An không tin, sợ chất độc trong bóng cao su làm tổn hại sức khỏe của Bin. Thế nhưng khi thấy con ôm ngực, khó thở, chị An đành “liều” áp dụng.

Mua một túi bóng bay về rửa sạch cho bớt mùi cao su, mẹ hướng dẫn Bin thổi bóng mỗi sáng cho đến khi được cả chùm mới bắt đầu vệ sinh cá nhân rồi đến trường. Áp dụng một thời gian, chị An thấy có những tín hiệu tích cực, mức độ lên cơn hen của Bin giảm nên động viên con duy trì. Chị An cũng phải thường xuyên theo dõi thời tiết và để ý thời tiết để giữ ấm cho con, nhà cửa lúc nào cũng phải sạch sẽ, thông thoáng. “Bác sĩ bảo thổi bóng giúp tập cơ phế quản rất tốt, có ích cho người bệnh đường hô hấp như con tôi, quan trọng là phải chọn được loại bóng an toàn, hạn chế phẩm màu”, chị An nói.

Chị Hồng Liên thì áp dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, không muốn con bị phụ thuộc vào thuốc xịt cắt cơn. Ngoài việc thổi bóng, tập bơi cho “nở phổi”, chị cho con dùng thuốc Đông y với hy vọng chữa dứt điểm bệnh hen.

“Sau một tháng kiên trì uống thuốc, tần suất lên cơn hen của con có bớt, nhất là những lúc giao mùa. Nhưng tôi biết để điều trị dứt điểm thì còn phải kiên trì điều trị nữa”, chị Liên nói.

Sống chung với bệnh hen hơn chục năm nay, chị Nguyễn Mỹ Hạnh ở TP HCM đi đâu cũng kè kè khẩu trang và lọ nước rửa tay khô. Chị kể sau nhiều năm khổ sở với căn bệnh, chị phát hiện ra tác nhân khiến mình lên cơn hen chủ yếu là bụi bẩn. Vì vậy, đi làm hay đi chơi, du lịch nhiều ngày, chị luôn phải mang theo các dụng cụ làm sạch. Hơi lích kích nhưng hạn chế được tần suất lên cơn hen nên chị Hạnh rất mừng.

Theo các chuyên gia y tế, khói bụi ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường là những nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp nói chung và bệnh hen nói riêng ngày càng cao. Bệnh nhân hen còn có thể lên cơn khi gặp phải tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông súc vật, mùi lạ…

Sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu về bệnh hen, lương y, dược sĩ Tào Văn Chiến cho rằng phòng và điều trị bệnh hen là rất quan trọng, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Ngoài thuốc, người bệnh cần phải áp dụng chế độ sinh hoạt phù hợp nếu không muốn bệnh ngày càng nặng.

Ông Chiến cho biết: bệnh hen đang dần trẻ hóa và tập trung nhiều ở thành thị; Tần suất cơn hen ngày càng dày, đồng thời cường độ kịch phát tăng nhanh. Bên cạnh đó, sức khỏe của bệnh nhân hen thường bị giảm sút nên dễ mắc thêm một số bệnh khác như viêm phế quản mãn, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm khớp…

Theo lương y, khi lên cơn hen, đường thở bị chít hẹp khiến lượng oxy đi vào các phế nang giảm. Lượng oxy đi vào cơ thể yếu, trong khi các tế bào vẫn cần oxy nên tim phải đập nhanh và mạnh hơn. Hoạt động quá sức trong tình trạng tim thiếu năng lượng dẫn đến suy tim là điều khó tránh khỏi.

Ông Tào Văn Chiến cho biết, sức khỏe của bệnh nhân hen thường không tốt. Mỗi khi thay đổi thời tiết, cơ thể khó và chậm thích ứng với sự thay đổi bất thường dẫn đến việc dễ lên cơn hen trong giai đoạn chuyển mùa. Theo Đông y, phế chủ bì mao, khi phế bị bệnh, tấu lý không chắc, lỗ chân lông bị mở, dẫn đến các tà khí dễ xâm nhập bì phu và kèm theo các cơn hen tái phát, đồng thời tần suất cũng tăng theo sự thay đổi này. Đây cũng là lý do khiến người bị hen thường được ví như “máy dự báo thời tiết”.

Lương y cho biết thêm, bệnh hen thường liên quan trực tiếp tới ba tạng: Tỳ – Phế -Thận. Các bài thuốc cổ phương được đúc kết qua nhiều năm có tác dụng điều hoà toàn thân và cân bằng tạng phủ là chính nên đi vào điều trị tận gốc đối với các bệnh mãn tính, trong đó có hen. Thành phần của thuốc y học cổ truyền là thảo dược nên tương đối an toàn, không dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, giúp bệnh cải thiện dần dần.

“Ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân hen cần chú ý đặc biệt đến môi trường xung quanh như hạn chế nuôi chó mèo trong nhà, khăn ga chải giường cần được thay thường xuyên, đồng thời chọn môn thể dục thích hợp để duy trì sức khỏe ổn định…”, lương y Chiến khuyên.

Để hạn chế lên cơn hen khi giao mùa, lương y khuyên người mắc bệnh cần:

– Tăng cường sức khỏe, bồi bổ chính khí bằng cách ăn uống điều độ đủ chất dinh dưỡng, không nên ăn các đồ ăn dễ gây dị ứng với bản thân, không nên uống rượu bia, không nên ăn các chất kích thích, không hút thuốc lào, thuốc lá.

– Luôn tập thể dục đều đặn phù hợp với sức khỏe của từng người, nhất là các động tác hít thở, nên tập hít thở sâu, không nên tập đi bộ vào buổi sáng sớm vào mùa đông  xuân.

– Luôn mặc đủ ấm vào mùa đông, kín đáo và mát vào mùa hè.

– Trong nhà luôn sạch sẽ không để mạng nhện treo trên tường vì mạng nhện dễ bắt bụi. Đó cũng là nguyên nhân gây dị ứng và lên cơn hen.

– Xác định tác nhân gây hen cho cơ thể và cố gắng tránh những nguồn tác nhân đó.

– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên bịt khẩu trang khi ra đường, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi đi từ ngoài đường về nhà.

Xuân Ngọc

Rate this post