Trào ngược dạ dày thực quản dễ gây hen suyễn

Mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, lại thêm bệnh hen suyễn nên bé trai nhà chị Thu, quận Bình Tân, TP HCM gầy nhom. Chị đã thử đủ cách nhưng mỗi lần ăn cái gì vào là bé lại nôn ói hết cả ra, ho sặc sụa. Đi khám bác sĩ uống thuốc 2 tháng nay nhưng tình trạng bé vẫn chưa cải thiện.

“Đút chén cháo cho con cả buổi trời, có khi vừa đút được muỗng cuối cùng là con ói trào ra hết, vừa xót con, vừa bực cả mình, mỗi bữa ăn của con là cả nhà cứ phải ầm ĩ cả lên vì tiếng con khóc, tiếng mẹ quát tháo. Nấu cháo cũng phải nhiều để lỡ con có ói thì có thứ để ăn tiếp“, chị Thu thở dài ngao ngán.

hen-phe-quan-o-tre-nho_1370591202[148208

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), hai bệnh trào ngược dạ dày thực quản và bệnh hen có tác động qua lại lẫn nhau.

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch chứa trong dạ dày trào ngược vào thục quản. Bệnh khá phổ biến, nhất là lứa tuổi 1-6 tháng. Tỷ lệ trẻ bị trào ngược ở 3 tháng đầu là 50%, 4-5 tháng là 67%, sau 1 tuổi là 5%.

Biểu hiện của bệnh rất đa dạng, bao gồm nôn trớ, ói, nhất là sau khi ăn; ói máu; cơn khóc co thắt, khó dỗ; khò khè, ho tái đi tái lại nhiều lần, nhất là về ban đêm; biếng ăn bú kém, chậm lớn, cong ưỡn lưng khi bú; khàn tiếng; viêm họng; sâu răng, viêm tai giữa thứ phát; đau ngực, ợ nóng, đau bụng. Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bằng các xét nghiệm như siêu âm bụng, nội soi thực quản, chụp Xquang…

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý nếu xảy ra thường xuyên, kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Trên hệ hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra suyễn, ho mãn tính, viêm phổi, viêm phế quản, xẹp phổi, giãn phế quản, cơn ngưng thở, chậm nhịp tim, thở rít, viêm thanh quản, khàn tiếng. Thông thường, 90-95% trẻ hết triệu chứng lúc 12-18 tháng tuổi.

Mối liên quan giữa trào ngược dạ dày thực quản và hen suyễn giống như mối liên quan qua lại giữa con gà và quả trứng. Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nên cơn hen suyễn cấp, làm suyễn nặng hơn, khó điều trị và kiểm soát hơn. Ngược lại suyễn cũng làm cho trào ngược dạ dày thực quản xảy ra thường xuyên và nặng nề hơn. Trẻ hen suyễn có tỷ lệ trào ngược dạ dày thực quản cao hơn trẻ bình thường.

Thông thường, cơn ho ở bệnh nhân suyễn làm tăng áp lực ở bụng, tăng áp lực thường xuyên cơ vòng thực quản, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra việc tắc nghẽn đường thở, ảnh hưởng của thuốc điều trị hen suyễn cũng gây ảnh hưởng đến việc trào ngược. Trong khi đó, trào ngược dạ dày thực quản là yếu tố kích phát mạnh lên hen, là nguyên nhân làm cho bệnh hen kém đáp ứng với thuốc điều trị.

Cần nghĩ đến suyễn kèm trào ngược dạ dày thực quản khi trẻ vẫn lên cơn suyễn dù đang điều trị phòng ngừa, bên cạnh việc điều trị loại trừ các lý do thất bại khác, khi trẻ lên cơn sau bữa ăn và lúc ngủ, có các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản đặc biệt là khi dùng thuốc giãn phế quản.

Cha mẹ có trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cần lưu ý:

– Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn làm nhiều cữ.

– Cho trẻ nằm đầu cao sau khi ăn.

– Tránh uống nhiều nước 1 giờ trước khi ngủ.

– Tránh một số thức uống, thức ăn như chocolate, trà, ca cao, cà phê, nước uống có ga, kẹo bạc hà, nước cam, cà chua, thức ăn có nhiều gia vị….

– Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn bác sĩ.

Lê Phương

Rate this post