Nha chu viêm là tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở mô lợi, xương ổ răng và mô nha chu nâng đỡ của răng. Phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên. Người bệnh có triệu chứng sưng đau răng lợi, chân răng bị sưng làm mủ, miệng hôi, bản thân răng cũng bị hủy hoại hoặc bị ăn mòn, đen xám, dễ mẻ vỡ tự nhiên làm cho lợi và răng không bám vào nhau làm lung lay nghiêng ngả. Kèm theo người bệnh có thể đau lưng, mỏi gối, di, mộng tinh…
Nguyên nhân theo Y học cổ truyền lúc đầu do vị hỏa tích kết hợp với phong nhiệt gây nên bệnh cấp tính (thực chứng). Bệnh lâu ngày làm vị âm hư và thận âm hư, tân dịch suy giảm gây hư hỏa bốc lên thành bệnh mạn tính (hư chứng). Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Thể cấp tính: Chân răng đỏ sưng đau, ấn mạnh có thể ra mủ; nếu đau nặng có thể gây sốt, ăn kém, táo bón, có hạch ở dưới hàm. Phương pháp chữa là sơ phong thanh nhiệt, tiêu thũng. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm: ngưu bàng 12g, bạc hà 6g, hạ khô thảo 12g, xích thược 8g, sơn chi 12g, kim ngân 20g, liên kiều 20g, tạo giác thích 20g, xuyên sơn giáp 6g. Sắc uống.
Ngưu bàng
Bài 2: ngưu bàng tử 12g, bạc hà 8g, hạ khô thảo 16g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 20g, tạo giác thích 8g. Sắc uống.
Bài 3. Thanh vị thang gia giảm: thăng ma 4g, hoàng liên 8g, sinh địa 20g, đan bì 8g, thạch cao (sắc trước) 40g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, ngưu bàng tử 12g, bạc hà (cho sau) 8g. Sắc uống.
Bài 4: kinh giới 12g, phòng phong 12g, bạch chỉ 12g, thạch cao sống 20g. Sắc uống. Trị đau do sưng lợi răng.
Bài 5. Thuốc cam xanh (thanh đại 0,39g, ngũ bội tử 0,1g, bạch phàn 0,1g, mai hoa băng phiến vừa đủ 0,6g). Mỗi lần dùng 0,05g – 0,1g. Súc miệng sạch, dùng tăm bông chấm thuốc, bôi đều lên chỗ đau; giữ thuốc tại chỗ đau càng lâu càng tốt (bôi thuốc sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ). Thuốc có bán tại các nhà thuốc.
Kết hợp day bấm các huyệt: giáp xa, hạ quan, hợp cốc, nội đình.
Thể mạn tính: Chân răng đỏ, viêm ít, có mủ ở chân răng, đau ít, răng lung lay, miệng hôi, họng khô, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác. Phép chữa là dưỡng âm thanh nhiệt. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Lục vị hoàn gia giảm: sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, tri mẫu, hoàng bá mỗi vị 8g; thục địa, hoài sơn, ngọc trúc, thăng ma, bạch thược, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống.
Thục địa
Bài 2: bạch thược 8g; sinh địa, huyền sâm, sa sâm, quy bản, kỷ tử, ngọc trúc mỗi vị 12g, kim ngân hoa 16g. Sắc uống.
Bài 3. Trị nha tiên đơn: sinh địa 32g, hoàng liên 3g, chi tử 8g, thạch cao 20g, tri mẫu 6g, hoàng cầm 6g, thục địa 32g, huyền sâm 32g. Sắc uống.
Bài 4: Thuốc cam xanh. Thời gian điều trị lâu hơn thể cấp tính.
Kết hợp day bấm các huyệt giáp xa, hạ quan, hợp cốc, túc tam lý, thận du, thái khê, nội đình.
Vị trí huyệt:
Giáp xa: Ở dưới tai 0,8 tấc, đầu của xương quai hàm, nơi cơ cắn nhô lên cao nhất khi bệnh nhân cắn chặt răng.
Huyệt giáp xa
Hạ quan: Chỗ lõm dưới cung tiếp xương má, trước lồi cầu của xương hàm dưới – ngang nắp tai.
Hợp cốc: Kẽ xương đốt bàn tay, huyệt ở trên cơ liên cốt mu tay 1, phía dưới trong xương đốt bàn tay 2.
Túc tam lý: Từ độc tỵ đo xuống 3 tấc, huyệt cách mào chày 1 tấc.
Thận du: Từ mỏm gai đốt sống lưng L2 – L3 đo ra 1,5 tấc.
Huyệt thái khê
Thái khê: Từ gồ cao của mắt cá trong xương chày đo ngang ra phía sau 0,5 tấc.
Nội đình: Kẽ ngón chân 2 – 3 đo lên về phía mu chân 0,5 tấc.
BS. Tiểu Lan
(SKĐS)