Học thuyết âm dương cho rằng: “Trong bốn mùa, mùa xuân và hạ thuộc dương khí. Mùa thu và đông thuộc âm khí. Khi âm khí thịnh, để bảo vệ cơ thể nên bì phu (da và lỗ chân lông) đóng kín. Âm khí bên ngoài không xâm nhập vào cơ thể, để sinh ra các bệnh thuộc hàn chứng. Hàn khí xâm nhập vào cơ thể, khi mắc các chứng hàn thì bệnh bao giờ cũng nặng, khó điều trị”. Vì vậy mùa đông dương khí ở ngoài đóng kín để bảo vệ âm khí ở bên trong, không cho âm khí ở bên ngoài xâm nhập vào bên trong, nếu để hai cái âm khí của người và của tự nhiên cùng gặp nhau thì bệnh sẽ nặng. Vì lẽ đó mà mùa đông do bì phu đóng kín các tế bào chết không đào thải ra ngoài theo tuyến mồ hôi, đọng lại ngoài da mà sinh ra một số bệnh như da khô, nổi vẩy, da nhăn nheo, nặng hơn thì nhiễm khuẩn, sinh ra các chứng bệnh thấp chẩn (viêm da cơ địa), sinh chứng mụn nhọt… Sau đây xin giới thiệu cách phòng và điều trị một số bệnh ngoài da mùa đông:
Chứng bệnh ngứa toàn thân
Nguyên nhân: Do mùa đông da đóng kín, sự bài tiết các chất thải của tế bào không thoát ra ngoài được.
Triệu chứng: Da dẻ khô ráo, tróc vảy, ngứa gãi suốt ngày, về đêm thuộc âm nên càng ngứa nhiều, có khi gãi chảy cả máu.
Điều trị: Khu phong dưỡng huyết, nhuận táo trừ ngứa.
Bài thuốc “Tiêu thị chỉ dương thang” gồm: Đương qui 12g, bạch thược 16g, thuyền thoái 8g, hắc chi ma (vừng đen) 20g, cam thảo 6g, hà thủ ô (chế) 12g, tàm xa 12g, địa phu tử (chế) 8g, lăng tiêu hoa 12g. Gia thêm kim ngân hoa 12g, kinh giới tuệ 12g.
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc 2 lần chia uống 2 lần trong ngày trước khi ăn sáng và ăn tối. Trẻ em dùng ½ liều người lớn.
Các vị thuốc chữa viêm da cơ địa.
Chứng phong chẩn bì phu (Viêm da cơ địa)
Nguyên nhân: Do nhiễm lạnh lâu ngày, đông y gọi là chứng phong hàn ở biểu bì.
Triệu chứng: Nổi ban thành từng mảng chằng chịt, có màu trắng bợt sủi vảy không đều, khi gặp lạnh thì bệnh nặng thêm. Gặp nóng thì bệnh đỡ, không có mồ hôi, đau khắp mình mẩy.
Điều trị: Thanh nhiệt giải biểu.
Bài thuốc “Tân ôn tuyên giải”: Kinh giới tuệ 6g, kim ngân hoa đằng 12g, bạch tiên bì 16g, đương qui vĩ 10g, địa phu tử 10g, thương nhĩ tử 10g, phòng phong 8g, tần giao 10g, phục linh bì 10g, cam thảo sống 10g. Gia giảm: Nếu thân mình đau mỏi gia phong kỷ 10g, ty qua lạc 6g. Nếu bị nhiễm phong hàn quá nặng bỏ kinh giới tuệ, phòng phong gia: Ma hoàng 6g, quế chi 8g.
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn nóng.
Cũng triệu chứng trên, nếu ra gió lạnh thì bệnh nặng thêm:
Điều trị: Cố biểu khu phong tán hàn điều hòa dinh vệ.
Bài thuốc “Vệ ngự phong thang”: Chích hoàng kỳ 20g, bạch truật (sao) 12g, xích thược 10g, phòng phong 12g, quế chi 10g, bạch thược 10g, đại táo 10 quả, sinh khương 12g (3 lát).
Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn khi thuốc còn nóng. Sau khi uống thuốc phải đắp chăn nằm 30 phút để thuốc phát tán đều.
Chứng phong ngật tháp
Nguyên nhân: Mùa đông giá lạnh, nằm chỗ thiếu không khí lại ẩm thấp, ăn uống nhiều chất sống lạnh, sinh chứng hàn thực tích lâu ngày hóa nhiệt độc, do bì phu đóng kín nhiệt độc không thoát ra ngoài được mà sinh bệnh.
Triệu chứng: Da nổi mẩn sạm đỏ, gặp gió hoặc hơi nóng thì bệnh nặng thêm, khí trời âm u thì bệnh nặng thêm, sốt nhẹ về buổi chiều, đầu nặng, thân thể mỏi mệt bứt rứt khó chịu, khát nước nhưng phải uống nước nóng nếu uống nước mát thì bệnh tăng thêm, đại tiện phân nhão nhưng khó đi, rêu lưỡi nhớt.
Điều trị: Phương hương hóa thấp thanh nhiệt tán hàn giải độc hòa trung.
Bài thuốc “Hà thị phương hương sơ hóa phương”: Kim ngân hoa 20g, hậu phác 10g, phục linh bì 10g, hoạt thạch 10 g, bồ công anh 20g, hoàng cầm 10g, xích thược 10g, trần bì 10g, sinh cam thảo 6 g, hoắc hương 8g, bội lan 10g.
Gia giảm: Nếu bệnh do phong tà lấp vít gia (bạch tiên bì 10g, địa phu tử 10g); nếu đại tiện phân nhão nhưng khó đi gia thêm (sơn tra sao cháy sém 8g, tân lang 8g, chỉ thực 8g).
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.
Chứng tróc vẩy ngoài da
Bệnh tróc vẩy ngoài da có nhiều nguyên nhân. Mùa đông tróc vẩy ngoài da là do khí huyết trong cơ thể kém, mùa đông bì phu đóng kín, vì năng lượng trong người kém nên cơ thể không chịu được lạnh. Chứng này thường xuất phát từ thận dương kém, tay chân lạnh sợ lạnh, người mắc chứng nghiện như: Rượu, ma túy, và một số chứng bệnh khác… Nên mùa đông sợ lạnh càng không tắm mà sinh bệnh.
Triệu chứng: Cơ thể tiều tụy, đoản hơi yếu sức da tróc vẩy có khi từng bộ phận, có khi toàn thân.
Điều trị: Kiện tỳ bổ thận ích bổ khí huyết.
Bài thuốc “Thận thập nhị phương”: Hồng sâm 20g, phục linh 15g, trần bì 15g, đương qui 15g, thỏ ty tử 15g, thục địa 20g bạch truật 15g, bán hạ 15g, bạch thược 20g, cam thảo (chích) 20g, ngọc trúc 15g, cẩu kỷ tử 20g.
Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, hoặc lúc đói.
Các vị thuốc chữa mẩn ngứa.
Chứng bì phu khô ráp
Chứng này thường xuất phát từ phế (phổi) khí kém. Trong đông y phế chủ khí: “Hai lá phổi trắng bóng là cái ô che chở cho các phủ tạng”… “các mạch máu đều thu về phế, phế giúp cho tâm điều tiết tuần hoàn”. “Phế hợp với bì mao (da, lỗ chân lông), khí vận hành làm ấm da lông, tầng da ở ngoài là nơi dương khí phân bố ra ngoài để bảo vệ thân thể, giúp cho cơ thể điều tiết khí hậu bên ngoài và dương khí bên trong, khi lạnh thì đóng kín lại, khi nóng thì da lông mở ra.
Triệu chứng: Mùa đông da khô ráp, ngứa, có khi ngứa gãi chảy máu, trong người khó chịu, có khi sờ tay vào da như sờ trên cát…
Điều trị: Hoạt huyết, dưỡng huyết nhuận da trừ ngứa.
Bài thuốc “Nhuận phu hoàn”: Đào nhân 30g, thục địa 30g, phòng phong 30g, đan bì 40g, đương qui 45g, sinh địa 60g, hồng hoa 30g, độc hoạt 30g, phòng kỷ 30g, xuyên khung 60g, khương hoạt 60g, bạch tiên bì 60g. Tán bột mịn làm viên hoàn nước to bằng hạt đậu xanh.
Cách dùng: Ngày uống 2 lần mỗi lần uống 10g trước khi ăn, uống với nước đun sôi để ấm.
Bài thuốc để tắm “Bá diệp tẩy phương”: Trắc bá diệp 120g, tô diệp 120g, tật lệ ương (mầm non của cây tật lệ) 240g.
Cách dùng: Tán bộ bọc vào trong túi vải, cho vào 3 lít nước, đun sôi 30 phút. Lấy khăn bông nhúng nước này lau rửa, sau đó pha thêm nước ấm vào tắm.
Để phòng bệnh mùa đông tắm nước vừa đủ ấm, không tắm nước quá nóng, tắm xong lau khô mặc quần áo ngay khi da còn ấm, ngồi chỗ kín gió, không để da quá khô dễ sinh bệnh ngoài da. Không nên ăn, uống các thức quá mát lạnh. Khi ra ngoài đường phải mặc ấm, nếu có điều kiện thì bôi kem dưỡng da ở mặt và hai bàn tay, nếu không khi về nhà nên lấy tay xoa vùng mặt và hai bàn tay là vùng tiếp xúc với khí lạnh nhiều, xoa cho ấm lên để làm mịn da không để da mặt và tay bị khô ráp.
TTND. BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng