Bệnh thường có biểu hiện lo âu, khó ngủ, mệt mỏi, căng thẳng…, bởi vậy, để đề phòng nguy cơ mắc trầm cảm cần bảo vệ chức năng hoạt động bình thường của bộ não. Tuy nhiên, chức năng đó lại phụ thuộc phần lớn vào chế độ dinh dưỡng.
Để có thể tránh được những rối loạn về hành vi, cảm xúc cũng như điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả thì chế độ ăn uống là một phương pháp tối ưu. Một khảo sát của nhóm chuyên gia dinh dưỡng Úc được công bố trên tạp chí BMC Medicine cho biết, các nhà khoa học đã chọn ngẫu nhiên một người trong số 34 bệnh nhân trầm cảm và xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng cho người này. Bệnh nhân sẽ được sử dụng các thực phẩm thô và thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất, đồng thời kiêng thực phẩm chế biến và tinh luyện trong 3 tháng. Sau 12 tuần thực hiện, kết quả được đem đối chiếu với 33 người còn lại cùng 100 trường hợp khác đang được điều trị bệnh trầm cảm. Các chuyên gia nhận thấy bệnh nhân đã giảm được đáng kể các triệu chứng của bệnh trầm cảm so với lúc đầu. Tiếp đó, sau khi thực hiện nghiên cứu này trên diện rộng, kết quả là hơn 32% người tham gia cảm thấy tâm trạng được cải thiện đáng kể.
Protein rất cần thiết cho bệnh nhân trầm cảm vì trong đó có tryptophan, loại chất cần thiết để tạo thành serotonin nhằm mang lại tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
Khi cơ thể bị suy nhược, trầm cảm, quá trình trao đổi chất sẽ bị gián đoạn, tinh thần sa sút dẫn đến hiện tượng kém ăn, mệt mỏi… Lúc này, cơ thể cần được tăng cường các nhóm chất dinh dưỡng như carbonhydrate, đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất; đặc biệt lưu ý tới những thực phẩm tốt cho hoạt động thần kinh ở não bộ. Các thực phẩm đó là:
Chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa ngăn các tác hại của gốc tự do, bảo vệ bộ não khỏi những tổn thương, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường dẫn truyền thần kinh. Các chất chống oxy hóa này có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi, các vitamin A, vitamin C, vitamin E…
Carbonhydrate: Trong lương thực khô, rau xanh, trái cây, đậu lăng có chứa một lượng lớn carbonhydrat là serotonin, đây là chất hoạt động thần kinh được các nhà khoa học chứng minh có tác dụng cải thiện tinh thần, tránh stress.
Protein là loại chất rất hữu ích với những bệnh nhân trầm cảm. Một số loại thực phẩm giàu protein như: cá ngừ, thịt gà, các loại đậu… sẽ cung cấp cho não các axit amin thiết yếu. Trong đó có tryptophan, loại chất cần thiết để tạo thành serotonin nhằm mang lại cho bạn tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Ngoài ra, tryptophan còn giúp làm tăng dopamin và norepinephrin trong não, tăng dẫn truyền thần kinh, mang lại tinh thần tỉnh táo và tăng cường sự tập trung.
Ma-giê, selen: Các loại đậu, hải sản (sò huyết, hàu, cá mòi), gạo nâu, yến mạch chứa nhiều magie và selen, chúng là các coenzyme quan trọng trong việc chuyển hóa glucid và lipid thành năng lượng cho hoạt động của các tế bào thần kinh, giúp giảm mệt mỏi, suy nhược thần kinh.
Các axít béo omega 3: Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự thiếu hụt omega 3, 6 trong khẩu phần ăn có liên quan đến tâm lý chán nản trong cuộc sống. Bởi vậy, hãy bổ sung cho cơ thể một lượng omega đầy đủ mỗi ngày để phòng bệnh trầm cảm cũng như tăng cường sự linh hoạt của não bộ bằng cách ăn các loại cá biển (cá thu, cá ngừ, cá hồi,…) hay dầu hạt lanh, dầu vừng, dầu ô liu,… Nghiên cứu cho thấy, các chất béo trong các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều… và cá có thể giúp tăng cường trí não đồng thời giúp cơ thể chống chọi với bệnh trầm cảm hiệu quả. Những người tiêu thụ nhiều cá trong các bữa ăn sẽ giảm được 17% nguy cơ mắc bệnh tâm lý so với những người ăn ít cá.
Những điều cần chú ý
Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho hoạt động của hệ thần kinh cũng có các loại thực phẩm không tốt, đặc biệt càng làm cho bệnh trầm cảm tiến triển nặng hơn. Cần hạn chế dùng các loại như:
Chất kích thích: Bia, rượu, thuốc lá, trà, cà phê, soda… Nhiều người tìm đến chúng để giải sầu, quên đi những u buồn trong cuộc sống nhưng đây lại là liều thuốc độc làm cho người bệnh mất ngủ và dễ rơi vào tình trạng bất an. Bởi vậy bệnh càng trở nên trầm trọng hơn và khó mà thoát ra được.
Tránh thực phẩm nhiều đường vì có thể làm tăng đường huyết, làm tinh thần không được ổn định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hạn chế các loại chất béo, muối và các loại dầu không bão hóa đa thực vật, mỡ thực vật, bơ thực vật, tất cả các loại dầu và các loại thực phẩm có thể chuyển hóa axit béo no như chiên, nướng…
Khi cơ thể bị suy nhược nên giảm lượng protein xuống 10% tổng số calo, đồng thời thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật và cũng cần bổ sung nhiều canxi cho cơ thể. Đối với những người có hệ tiêu hóa kém thì chúng ta nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa hơn.
Tuy trầm cảm là một bệnh khó điều trị và phải điều trị trong thời gian dài nhưng bằng cách cung cấp cho não những dưỡng chất cần thiết, bạn có thể đề phòng nguy cơ mắc trầm cảm bằng cách đảm bảo cho mình một chế độ ăn hợp lý và một lối sống lành mạnh.
BS. Ngô Mỹ Hà