Bệnh động mạch vành: Nguyên nhân và triệu chứng

Khi trái tim hoạt động bình thường, các động mạch vành cung cấp một lượng máu đầy đủ đến cơ tim, nhờ vậy cơ tim và các van hoạt động tốt. nhưng khi mạch máu bị tắc nghẽn?

Trái tim gồm 2 phần có những chức năng riêng biệt:

Phần bên phải của trái tim nhận máu tĩnh mạch (mạch “đen”) từ toàn bộ cơ thể và bơm máu này lên phổi. Ở phổi máu tĩnh mạch được làm giàu oxy và trở thành máu “đỏ”.

Mỗi phần có một buồng tiếp nhận được gọi là tâm nhĩ và một buồng tống được gọi là tâm thất. Các tâm thất có thành cơ dày gọi là cơ tim, cơ này co bóp một cách đều đặn (tần số co bóp lúc nghỉ là 60 – 70 lần/phút) để bơm máu đến các cơ quan khác nhau. Khi máu chảy vào trong các động mạch sẽ tạo nên nhịp đập đặc trưng gọi là mạch.

Các tâm nhĩ được ngăn cách với các tâm thất bởi các van (van 3 lá bên phải và van 2 lá bên trái), các van này hoạt động theo một chiều: khi tâm thất co lại để đẩy máu vào trong động mạch van ngăn không cho máu chảy ngược vào tâm nhĩ. Ở chỗ đi ra của các tâm thất cũng có các van (van động mạch phổi ở chỗ ra của tâm thất phải và van động mạch chủ ở chỗ ra của tâm thất trái) có tác dụng ngăn không cho máu chảy ngược lại vào tâm thất trong thì tâm trương.

Những nguyên nhân nào gây ra bệnh mạch vành?

Các bệnh tim mạch không có một nguyên nhân duy nhất! Ở nam giới và phụ nữ các yếu tố nguy cơ tích lũy lại để gây ra bệnh. Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy tăng nhanh sự tạo thành mảng xơ vữa. Khi nói về các bệnh nhiễm chúng ta có một lập luận khác: một vi khuẩn = một bệnh! Trong trường hợp bệnh động mạch vành nhiều yếu tố phối hợp lại làm hư hại các động mạch của bạn.

Bệnh động mạch vànhĐau thắt ngực là một trong các triệu chứng thường gặp nhất

Yếu tố nguy cơ tim mạch là gì?

Yếu tố nguy cơ tim mạch đơn giản là một đặc điểm cá nhân khiến cho một ngày nào đó bạn dễ bị một tai biến tim mạch hơn.

Các yếu tố nguy cơ đã được nhận diện bởi các nghiên cứu dịch tễ. Các nghiên cứu này tìm hiểu lối sống (hút thuốc lá, thể thao, chế độ ăn…) và tình trạng sức khỏe (cân nặng, huyết áp, cholesterol) của rất nhiều người dựa vào bảng câu hỏi phỏng vấn và các khám nghiệm y khoa. Những người này sau đó được theo dõi trong nhiều năm để ghi nhận xem có điều gì xảy ra với họ.

Kết quả của các nghiên cứu dịch tễ là thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe và lối sống của những người bị tai biến tim mạch. Người ta cũng tiến hành so sánh điều gì xảy ra cho những người hút thuốc so với những người không hút thuốc, cho người quá cân so với người mảnh mai…

Xét nghiệm lipid máu bao gồm nồng độ trong máu của 4 loại chất béo: cholesterol LDL (còn được biết dưới tên gọi là “cholesterol xấu”, cholesterol HDL (còn được biết dưới tên gọi là “cholesterol tốt”), cholesterol toàn phần và triglycerid. Khi nồng độ trong máu của các chất béo này bất thường người bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ ăn của bệnh nhân và cho bệnh nhân dùng thuốc, thường là sự giúp đỡ của một chuyên viên tiết thực.

Mảng xơ vữa

Mảng xơ vữa là mảng lắng đọng chất béo (cholesterol). Đặc trưng của xơ vữa động mạch là sự kết hợp mảng vữa với sự xơ hóa.

Kết quả của sự kết hợp cholesterol, các tế bào và canxi là sự hình thành mảng xơ vữa động mạch ở thành động mạch. Các mảng này làm giảm thiết diện của các động mạch và làm cho các động mạch bị hẹp dần.

Tuy nhiên mảng xơ vữa động mạch không phải bao giờ cũng phát triển từ từ, đôi khi nó có thể vỡ một cách đột ngột. Khi mảng xơ vữa ra quá trình động máu bị hoạt hóa. Quá trình này khởi đầu với sự tích tụ của các tiểu cầu là những tế bào máu đặc biệt nay tại chỗ vỡ.

Sau đó các tiểu cầu và thành phần chất béo từ mảng xơ vữa có thể bị bong ra và gây tắc một động mạch có đường kính nhỏ hơn, tai biến này gọi là thuyên tắc mạch. Hoặc một cục máu đông có thể được tạo thành ngay chỗ mảng xơ vữa và đột ngột làm tắc nghẽn động mạch, tai biến này gọi là huyết khối. Sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch là kết hợp mảng vữa với sự xơ hóa.

Các mảng xơ vữa động mạch, nhất là khi chúng bị vỡ, gây ra hầu hết các tai biến tim mạch, hoặc do hiện tượng tắc nghẽn động mạch nơi có mảng vữa hoặc do hiện tượng thuyên tắc một động mạch nhỏ hơn ở hạ lưu dòng máu. Tai biến có thể xảy ra ở một động mạch vành (hội chứng động mạch vành cấp), ở một động mạch não (tai biến mạch máu não dạng thiếu máu cục bộ) hoặc ở một động mạch chi (thiếu máu cục bộ cấp của chi).

Bệnh động mạch vành có triệu chứng gì?

Làm thế nào bạn nhận biết được bệnh động mạch vành?

Đau thắt ngực là một trong các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh động mạch vành. Cơn đau này ở giữa ngực, sau xương ức, có thể lan lên cổ hoặc lên hàm, lan ra cánh tay và cổ tay (người bệnh có cảm giác giống bị cùm tay), thường là bên trái. Đôi khi cơn đau ở vị trí thấp hơn, ở hõm dạ dày. Người bệnh có cảm giác tức ngực (cảm giác giống bị kẹp trong gọng kìm), tuy nhiên cũng có một số người mô tả như cơn đau nhẹ.

Đau thắt ngực ổn định:

Đau thắt ngực ổn định (hay còn gọi là đau thắt ngực khi gắng sức) là biểu hiện điển hình nhất.

Đau thắt ngực được gọi là ổn định vì nó xảy ra lặp đi lặp lại ở cùng một mức gắng sức, ít ra là trong cùng những tình huống như nhau.

Cùng một mức gắng sức gây ra cơn đau tuy nhiên thời tiết lạnh và cảm xúc cũng có thể gây ra cơn đau. Bạn có thể đối phó bằng cách chỉ gắng sức mức độ vừa phải, nhưng khi gắng sức đạt đến một cường độ nào đó, bạn có cảm giác đau: bạn đã chờ cơn đau xảy ra. Nhưng bạn không thể đối phó bằng cách gắng sức ở mức độ ít hơn trong điều kiện lạnh hoặc nhiều gió.

Đau thắt lưng ổn định xảy ra khi người bệnh đang ở trạng thái nghỉ là điều rất hạn hữu:

Một cơn đau ngực không nhất thiết là đau thắt ngực. Chỉ có bác sĩ của bạn mới có thể xác nhận cơn đau là đau thắt ngực, thường là với sự trợ giúp của các phương tiện máy móc, xét nghiệm.

Các cơn đau thắt ngực ổn định thường là chấm dứt 1 – 5 phút sau khi ngưng gắng sức.

Hội chứng động mạch vành cấp:

Nếu đau thắt ngực xảy ra trong khi người bệnh đang nghỉ ngơi và tiếp tục kéo dài hoặc không thuyên giảm khi ngưng gắng sức, người ta gọi đó là hội chứng động mạch vành cấp.

Hội chứng này bao gồm:

Đau thắt ngực không ổn định: đó là một đợt đau thắt ngực thật sự nhưng kéo dài một cách không bình thường hoặc xảy ra khi đang nghỉ ngơi. Bạn có thể chưa từng bị cơn đau khi gắng sức trước đó. Đau thắt ngực không ổn định có thể tự khỏi. Tuy nhiên nguy cơ là nó có thể chuyển thành nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim: đó là sự tắc nghẽn hoàn toàn của một động mạch vành gây ra hủy hoại một phần cơ tim. Nó biểu hiện bằng một cơn đau giống hệt cơn đau thắt ngực nhưng đau xảy ra khi người bệnh đang nghỉ ngơi, kéo dài hơn và thường có cường độ rất cao khác với các cơn đau thông thường. Bạn có thể chưa từng có các cơn đau thắt ngực trước đó. Các hậu quả của nhồi máu cơ tim nặng nề hơn nhiều so với đau thắt ngực không ổn định: nếu không được điều trị thật nhanh bạn có nguy cơ mất một phần cơ tim của bạn. Một số trường hợp nhồi máu cơ tim không có biểu hiện ngay tức thì. Các trường hợp này được phát hiện một cách tình cờ nhờ đo điện tim khi kiểm tra sức khỏe. Các trường hợp này thường gặp khi người bệnh có đái tháo đường (được gọi là nhồi máu cơ tim “yên lặng”).

Chỉ có điện tim và xét nghiệm máu mới cho phép phân biệt một cách nhanh chóng giữa 2 dạng hội chứng động mạch vành cấp trên. Vì vậy bạn phải hành động ngay để có thể được đo điện tim và xét nghiệm máu càng sớm càng tốt.

Suy tim:

Suy tim là một triệu chứng trễ của bệnh động mạch vành. Nó thường xuất hiện sau một cơn nhồi máu cơ tim nặng nhưng cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác, do sự suy yếu dần của cơ tim.

Bệnh động mạch vành cũng có thể không có một biểu hiện nào khiến bạn có thể nhận biết. Chỉ có các khám nghiệm, nhất là điện tim, là có thể phát hiện cơ tim đang thiếu máu nuôi. Trường hợp này gọi là thiếu máu cục bộ yên lặng.

KỲ II: ĐIỀU GÌ XẢY RA NẾU BẠN BỊ BỆNH MẠCH VÀNH?

PGS.TS.BS. NGUYỄN HOÀI NAM

Rate this post