1.000 ngày vàng chính là thời điểm từ lúc bạn có thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đầu tư vào dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này (1.000 ngày đầu đời) chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của bé.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: trong 1.000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Ngược lại, trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn. Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày – nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 – 2 tuổi (365 ngày – nuôi con năm thứ 2).
Chế độ dinh dưỡng bà mẹ có thai:
Trong thời gian có thai người mẹ cần tăng cân từ 10 – 12kg, để sinh con có cân nặng khoảng 3.000g. Mức tăng cân của bà mẹ và cân nặng của trẻ khi sinh nó phụ thuộc vào khẩu phần của mẹ. Nếu khẩu phần có mức năng lượng thấp, mẹ tăng cân ít sẽ có nguy cơ trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2.500g (suy dinh dưỡng bào thai). Mức tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai. Nhu cầu năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày: của phụ nữ (không có thai) là 2.050 Kcal, khi có thai 3 tháng đầu thêm 50 Kcal (2050+50), khi thai 3 tháng giữa thêm 250 Kcal, 3 tháng cuối thêm 450 Kcal và khi cho con bú thêm 500 Kcal/ngày.
Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi
Phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, nữ tuổi vị thành niên cần uống viên sắt/axít folic hoặc viên đa vi chất phòng chống thiếu máu thiếu sắt. Với phụ nữ không có thai uống bổ sung viên sắt/axít folic (60 mg sắt nguyên tố, 2.800mcg axít folic), liều lượng 1 viên/tuần (vào 1 ngày nhất định) trong 3 tháng, nghỉ 3 tháng, sau đó tiếp tục uống bổ sung 3 tháng. Việc bổ sung viên sắt/axít folic có thể lặp lại chu kỳ này trong năm. Với phụ nữ có thai uống bổ sung viên sắt/axít folic (60mg sắt nguyên tố và 400mcg axít folic), liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới 1 tháng sau đẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung:
Khi sinh con bà mẹ cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 tiếng đầu tiên. Bú sớm có tác dụng làm cho sữa xuống nhanh, co hồi tử cung và bú được sữa non rất tốt cho bé vì sữa non có gía trị dinh dưỡng cao, các kháng thể chống lại bệnh tật, dễ tiêu hóa với trẻ và giúp thải phân su ra ngoài. Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến 18 – 24 tháng tuổi. Từ tháng thứ 7, cùng với sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm (thức ăn bổ sung), số bữa ăn hàng ngày tùy theo tháng tuổi: 6 tháng tuổi ăn 1 bữa bột loãng, 7 – 9 tháng ăn 2 – 3 bữa bột đặc, 10 – 12 tháng ăn 3 – 4 bữa bột đặc. Trẻ từ 1 – 2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Mỗi ngày uống 400 – 500ml sữa (nếu không có sữa mẹ).
Khi sinh con bà mẹ cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 tiếng đầu tiên
Một trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường khi ăn đủ nhu cầu sẽ tăng cân hàng tháng. Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khoẻ mạnh trung bình khoảng 3.000g (3kg); 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh tăng cân từ 1.000 – 1.200g/tháng; 3 tháng tiếp theo tăng cân từ 500 – 600g/tháng; 6 tháng tiếp theo chỉ tăng cân từ 300 – 400g/tháng, khi 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9 – 10kg). Trẻ từ 2 – 10 tuổi cân nặng tăng trung bình 2,4kg/năm và có thể tính theo công thức sau:
Xn = 9,5kg + 2,4kg x ( N-1).
Xn là cân nặng hiện tại của trẻ (kg).
9,5 là cân nặng của trẻ lúc 1 tuổi.
2,4 là cân nặng tăng trung bình trong 1 năm.
N là số tuổi của trẻ (tính theo năm).
Chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh khoảng 50cm, 3 tháng đầu trẻ tăng 3 – 4,5cm/tháng, 3 tháng tiếp theo tăng từ 2 – 2,5cm/tháng, 3 tháng tiếp tăng 2cm/tháng, những tháng tiếp theo tăng từ 1 – 1,5cm. Khi trẻ 1 tuổi có chiều dài gấp 1,5 lần lúc mới sinh (75cm), trẻ 2 tuổi chiều cao là 86 – 87cm (bằng 1/2 chiều cao người trưởng thành), trẻ 3 tuổi có chiều cao là 95 – 96cm, trẻ từ 4 – 10 tuổi chiều cao tăng trung bình 6,2cm/năm và có thể áp dụng công thức sau:
Xc = 95,5cm + 6,2cm x (N-3).
Xc là chiều cao nên có của trẻ (cm).
95,5 là chiều cao của trẻ lúc 3 tuổi.
6,2 là chiều cao tăng trung bình trong 1 năm.
N là số tuổi của trẻ (tính theo năm).
Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến 18 – 24 tháng tuổi
Giai đoạn vị thành niên (từ 10 – 18 tuổi):
Vị thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp của sự phát triển từ tuổi thơ sang người lớn: “Tuổi không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chưa phải là người lớn”. Để có chiều cao và tình trạng dinh dưỡng tốt khi trưởng thành, đồng thời có sức khỏe tốt giai đoạn tiền hôn nhân, thì những can thiệp dinh dưỡng sớm giúp trẻ phát triển tối ưu về chiều cao. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ vị thành niên rất quan trọng, vì lứa tuổi này tốc độ phát triển nhanh cả về chiều cao và cân nặng. Cân nặng trung bình giai đoạn này tăng từ 3 – 5 kg/năm, chiều cao có thể tăng từ 10 – 15cm/năm và trẻ trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đòi hỏi rất cao cho sự phát triển cũng như hoạt động, trẻ thường ăn không biết no. Nhu cầu dinh dưỡng cho lứa tuổi này, trước hết là vấn đề năng lượng, nhu cầu này tùy theo giới tính, độ tuổi. Nhưng một số trẻ nữ lại ăn ít để giữ thân hình, vóc dáng điều đó làm hạn chế sự phát triển.
Năng lượng: nhu cầu năng lượng từ 1.900 – 2.300 kcal/ngày/nữ và 2.100 – 2.800 kcal/ngày/nam. Để đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn 3 bữa một ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng.
Đạm: protein rất cần thiết để phát triển về chiều cao và cân nặng, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố (hoóc môn) và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể. Nhu cầu protein hàng ngày là 50 – 70g/nam và 50 – 60g/nữ, tỉ lệ protein động vật/protein tổng số là ≥ 35%, năng lượng từ chất protein cung cấp chiếm 13 – 20% năng lượng của khẩu phần. Nguồn protein động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sưa, tôm, cua… Nguồn protein thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc,..
Chất béo: chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu: vitaminA, E, D, K. Nhu cầu về lipid từ 60 – 78g/ngày/nam và 55 – 66 g/ngày/nữ, tỉ lệ cân đối giữa lipid động vật và lipid thực vật là 70% và 30%. Năng lượng do lipid cung cấp trong khẩu phần chiếm khoảng 20 – 30%.
Chất sắt: nhu cầu sắt hàng ngày được đáp ứng thông qua chế độ ăn giàu sắt và sắt có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt gía trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay giai đoạn đầu vị thành niên, đặc biệt là trẻ gái cần uống bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần. Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 11 – 17mg/ngày, trẻ nữ cần 11 – 29mg/ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà,..
Vitamin A: cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch giảm tỉ lệ nhiễm trùng và tử vong. VitaminA có nhiều trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa…; thức ăn thực vật cung cấp nguồn caroten như rau xanh, giấc, qủa màu vàng. Nhu cầu vitaminA hàng ngày lứa tuổi vị thành niên là 800µg /ngày/nam và 650 µg/ngày/nữ.
Canxi: rất cần cho lứa tuổi dậy thì vì tốc độ tăng trưởng chiều cao rất nhanh nhu cầu canxi nhiều, vì vậy nhu cầu can xi là 1.000mg/ngày. Canxi cùng với phospho để duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc.
Nhu cầu vitamin D tuổi vị thành niên là 15µg/ngày.Sữa là sản phẩm cung cấp nguồn chất đạm và can xi, với trẻ không uống thích uống sữa, có thể dùng các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai hoặc sử dụng các thực phẩm giàu can xi như tôm, cua, cá và hải sản.
Kẽm: cần thiết cho sự tăng trưởng cả cân nặng và chiều cao của cơ thể. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Nhu cầu kẽm hàng ngày là 9 – 10mg/nam và 7 – 8mg/nữ. Thực phẩm nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…).
Vitamin C: giúp hấp thu và sử dụng sắt, canxi và axít folic. Ngoài ra nó còn có chức năng chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, bảo vệ thành mạch. Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín. Nhu cầu vitamin ở tuổi vị thành niên là 95mg/ngày.
ThS. BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia)