Ngừa chứng ho ban đêm

Chứng ho ban đêm gây phiền, không chỉ làm rối loạn giấc ngủ của bạn, mà còn có thể can thiệp và làm xáo trộn giấc ngủ của những người khác. Liệu có cách gì khắc phục?

Tại sao ho trở nên tồi tệ và nhiều hơn vào ban đêm?

Bình thường, các đường dẫn khí ở mũi và hô hấp trên sản sinh ra chất nhầy với mục đích để giữ ẩm ướt đường thở. Vào ban ngày, nếu chất lỏng được tạo ra quá mức, chúng sẽ được nuốt xuống một cách tự nhiên. Tuy nhiên, phản xạ nuốt không đáp ứng hiệu quả khi bạn ngủ. Vì vậy, chất nhầy tiết ra làm cản trở việc thở bằng mũi, mà sẽ gây ra thở bằng miệng vào ban đêm. Thở miệng dẫn đến khô miệng và các thành cổ họng làm trở nên nhạy cảm hơn và dễ ho hơn. Thêm nữa, chúng ta đã biết ho là cơ chế bảo vệ cơ thể và giúp tống vật lạ ra khỏi đường hô hấp. Một khi đường hô hấp không thể được làm sạch một cách tự nhiên, virut và các chất ô nhiễm trong chất nhầy sẽ kích thích thần kinh và khiến bạn ho để bảo vệ và làm sạch cho đường thở. Tất cả những yếu tố vừa nêu góp phần làm tăng khuynh hướng ho nhiều và tồi tệ hơn vào ban đêm.

Các biện pháp khắc phục chứng ho ban đêm

Giữ cho đầu nâng lên khi ngủ: Giữ đầu ở độ cao hơn bình thường vào ban đêm sẽ giúp giữ cho đường hô hấp mở và ngăn ngừa sự kích ứng của chất nhầy, khiến ho ít hơn. Cách tiếp cận này cũng đem lại lợi ích, nếu ho do hội chứng trào ngược dạ dày.

Giữ độ ẩm cho đường thở: Nhiệt lạnh hoặc nóng trực tiếp từ quạt, máy điều hòa không khí hoặc máy sưởi có thể làm trầm trọng thêm ho vì chúng có thể khiến đường thở trở nên khô. Bạn cũng có thể sử dụng máy làm ẩm hoặc đặt một bát nước đầy trong phòng. Ngâm bồn tắm hoặc tắm vòi hoa sen trước khi đi ngủ cũng giúp giữ cho đường hô hấp ẩm ướt.

Ngừa chứng ho ban đêmKhi đường hô hấp không thể được làm sạch một cách tự nhiên, virut và các chất ô nhiễm trong chất nhầy sẽ kích thích thần kinh và gây ho để bảo vệ và làm sạch cho đường thở.

Dùng mật ong trước khi ngủ: Mật ong là vị thuốc tuyệt vời đểgiảm đau họng bằng cách làm dịu và tráng lên một màng nhầy cho niêm mạc đường thở. Mật ong cũng chứa các đặc tính kháng khuẩn. Khuyến cáo dùng một thìa mật ong hữu cơ trước khi đi ngủ. Cũng có thể trộn mật ong với nghệ và uống nó từ 4-5 lần mỗi ngày.

Gừng rất hiệu quả với ho khan: Lấy một ít gừng tươi, đặt một ít muối biển lên đó và nhai nó để giảm bớt ho. Nếu hương vị gừng quá hăng, bạn có thể thử trà gừng bằng cách chỉ cho một ít gừng vào một cốc nước sôi. Bạn có thể thêm mật ong và vài giọt nước chanh để làm cho trà ngon hơn. Một cách điều trị ho rất hiệu quả khác là pha gừng và tiêu xay với mật ong, hương vị có thể hơi mạnh nhưng nó làm giảm ho một cách hiệu quả.

Nước muối súc miệng: Rất hiệu quả trong việc loại bỏ nhiều chất nhầy ra khỏi cổ họng. Súc miệng nước muối ấm vài lần trước khi đi ngủ để tránh ho vào ban đêm.

Dừng hút thuốc: Ho mạn tính gặp vào ban đêm, nhất là lúc chợp mắt là một tác dụng phụ thường gặp của việc hút thuốc lá lâu dài. Đây không phải là cách khắc phục nhanh chóng, nhưng nếu bạn là người hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc ngay. Không chỉ tình trạng ho được cải thiện mà sức khỏe tổng thể của bạn cũng tốt hẳn lên.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ho ở ban đêm có thể là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Nếu ho không thuyên giảm hoặc có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy liên hệ ngay với bác sĩ: Nếu bạn bị hụt hơi nghiêm trọng hoặc khó thở; Nếu hơi thở của bạn cạn và nhanh hơn bình thường; Nếu đôi môi hoặc khuôn mặt của bạn chuyển sang màu xám; Nếu có sốt cao; Nếu ho và sốt ở trẻ dưới ba tháng tuổi; Nếu ho ở trẻ sơ sinh trong vài giờ mà không thuyên giảm.

Bác sĩ sẽ can thiệp chứng ho ban đêm tùy thuộc vào nguyên nhân ho. Các phương pháp điều trị khác nhau phù hợp cho từng nguyên nhân ho khác nhau, bao gồm: ho do nhiễm khuẩn; ho do trào ngược acid dạ dày; ho do hen suyễn hoặc viêm phế quản; ho do dị ứng.

BS. Thanh Hoài

Rate this post