Về mặt thời gian, có thể xếp thành 3 thể: thể cấp tính xảy ra trong thời gian 3 tuần trở lại; thể mạn tính khi bệnh kéo dài trên 3 tháng. Bệnh kéo dài trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 3 tháng được xếp vào thể bán cấp.
Cuộc khảo sát trên 3.300 trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi ở hai quận nội và ngoại thành TP HCM cho thấy tần suất viêm tai giữa tiết dịch là 7%, trong đó đỉnh cao nhất là 2 tuổi, chiếm 22%. Bệnh thường xảy ra trong những tháng mùa đông và liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên. Một số tác giả cho rằng bệnh thường xảy ra sau một đợt viêm tai giữa cấp.
Một nghiên cứu khác ở trẻ em 2-5 tuổi cho thấy, 53% trẻ trong năm đầu tiên và 61% trẻ trong năm thứ hai bị viêm tai giữa tiết dịch ở ít nhất một tai. Trong hai năm đầu tiên, bệnh thường xảy ra ở cả hai tai, có khuynh hướng xảy ra ở một tai ở trẻ lớn. Đa số các trường hợp tự khỏi trong vòng vài tháng không cần điều trị.
Nhiều bệnh nhi không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Cha mẹ hoặc thầy cô giáo có thể nghi ngờ trẻ bị giảm thính lực khi thấy trẻ mất tập trung hay chậm nói. Có thể phát hiện nghe kém bằng khám sàng lọc định kỳ cho trẻ tại trường học, nhưng cũng có trường hợp không phát hiện ra, nhất là khi trẻ chỉ nghe kém một tai. Một số trẻ có những đợt đau tai thường vào ban đêm, loạng choạng, ù tai, sốt và bứt rứt.
Ngoài việc giảm thính lực và khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, viêm tai giữa tiết dịch không điều trị còn gây một số di chứng như: để lại một lỗ thủng vĩnh viễn trên màng nhĩ, viêm tai giữa nung mủ mãn, xơ nhĩ, viêm tai giữa dính, hoại tử chuỗi xương con, các túi lõm trên màng nhĩ… Vì vậy, cha mẹ cần sớm phát hiện những bất thường ở tai trẻ để điều trị sớm.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)