Tập thể dục khi mang thai là một việc làm cần thiết nhưng không được thực hiện một cách tùy tiện. Các bà bầu hãy chú ý các quy tắc an toàn trong luyện tập để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Rất cần hỏi ý kiến bác sĩ: Cho dù bạn đã có thói quen tập thể dục từ trước khi mang thai thì bạn vẫn nên đi kiểm tra sức khỏe và hỏi ý kiến bác sĩ xem bài tập nào là phù hợp, bài tập nào gây nguy hiểm… Nếu bạn chưa luyện tập bao giờ, bạn càng nên trao đổi với bác sĩ để chọn những bài tập dành cho người mới bắt đầu.
Chọn trang phục phù hợp: Bạn nên chọn những loại trang phục rộng rãi để dễ thở trong quá trình tập luyện. Lúc mới khởi động, nên mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng bên ngoài (khi mang thai, thân nhiệt cao hơn bình thường, nếu chủ quan sẽ dễ bị nhiễm lạnh). Nhưng bạn cũng không được để cơ thể quá nóng sẽ ảnh hưởng không tốt tới em bé. Nên chọn áo quần rộng thoáng, đi đôi giày tập phù hợp với kích cỡ chân trong giai đoạn chân bị phù.
Không quên khởi động: Dù bất kỳ lý do nào, bạn cũng không nên bỏ qua 5 – 10 phút khởi động trước khi tập luyện chính thức. Tác dụng của khởi động là khiến các mạch máu lưu thông, cung cấp ôxy tới các cơ bắp, “bôi trơn” các khớp xương và ngăn ngừa chấn thương.
Tập luyện nhẹ nhàng: Không tập những môn thể thao đòi hỏi phải di chuyển và thay đổi vị trí liên tục như bóng chuyền, cầu lông, tennis… Trong thời gian mang thai, các khớp xương dễ bị yếu, khả năng giữ cân bằng cũng thay đổi, nguy cơ bị chấn thương khi luyện tập là rất lớn. Nên chọn hình thức tập nhẹ như đi bộ, bơi lội…
Không nín thở lâu: Nên tránh nín thở trong những động tác thể dục thông thường (trừ những bài tập thở kiểu yoga), việc nhịn thở trong vòng vài giây (hoặc hơn) dễ làm giảm sự cung cấp ôxy tới bào thai. Bạn cũng nên đảm bảo giữ nhịp thở ổn định trong những phần bài tập khó.
Không thay đổi động tác đột ngột: Bụng càng lớn sẽ càng khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Đó là lý do vì sao bạn nên đặc biệt cẩn thận khi chuyển các động tác hoặc thay đổi vị trí luyện tập. Thao tác quá nhanh sẽ khiến bạn bị chóng mặt, dễ bị ngã.
Không tập đến kiệt sức: Thời gian mang thai không phải là giai đoạn bạn tập luyện với mục đích giảm cân, vì thế không nên ép cơ thể hoạt động quá công suất hoặc duy trì thời gian luyện tập dài hơn (dù chỉ là 5 phút).
Không ngồi ngay sau lúc tập luyện: Dành khoảng 5 – 10 phút để đi lại nhẹ nhàng, thả lỏng toàn thân trước khi kết thúc buổi tập sẽ khiến cho nhịp tim ổn định, các mạch máu tuần hoàn bình thường, tránh cho bạn cảm giác choáng váng.
Uống nhiều nước: Nên uống nước lọc trước, trong và sau quá trình luyện tập. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng mất nước – nguyên nhân của những cơn co bóp dạ con, thân nhiệt tăng. Nếu mất nước nghiêm trọng sẽ gây nguy hiểm cho cả bạn và bé. Tuy nhiên, cần uống từ từ.
Trần Việt
(SKĐS)