Tuy nhiên do cháu không quen uống thuốc nuốt cả viên nên tôi đã bóc bỏ vỏ nhộng và pha phần bột thuốc với nước cho cháu uống. Xin hỏi bác sĩ làm như vậy có được không, thuốc có ảnh hưởng đến dạ dày của cháu không. Trường hợp của con tôi nên làm thế nào? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Lê Thúy Ngát (Lạng Sơn)
Khi dùng thuốc cho trẻ cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Viên con nhộng (còn gọi là viên nang, capsule…), là dạng thuốc uống chứa một hay nhiều dược chất trong vỏ nang với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Vỏ nang được làm chủ yếu từ gelatin hoặc polyme như HPMC… Ngoài ra, trong vỏ nang còn chứa các tá dược khác như chất hóa dẻo, chất màu, chất bảo quản… Thuốc chứa trong nang có thể là dạng rắn (bột, cốm, pellet…) hay lỏng, nửa rắn (hỗn dịch, nhũ tương, bột nhão…). Mục đích của viên nhộng là tác dụng chậm, phần vỏ được thiết kế để thuốc tan dần khi vào trong hệ tiêu hóa và đến tận ruột non dược chất mới phát huy tác dụng. Vì thế nếu bạn mở nó ra và hòa tan, thuốc sẽ được hấp thu ở đoạn trên của đường tiêu hóa và tác dụng không còn bảo đảm kéo dài nồng độ diệt khuẩn cần thiết trong máu như mong muốn.
Mục đích của việc cho thuốc vào nang là nhằm bảo vệ các thành phần trong công thức thuốc không bị hỏng khi tiếp xúc với các yếu tố của môi trường xung quanh như khí ôxy, độ ẩm, ánh sáng, vi khuẩn, nấm mốc, đồng thời vỏ nang thuốc còn để che giấu mùi vị khó chịu của thuốc. Và quan trọng nhất là bảo vệ niêm mạc dạ dày trong một số loại hoạt chất gây kích ứng niêm mạc dạ dày cũng như giúp thuốc tan tại ruột để tránh acid của dịch vị phá hủy thuốc. Dạng thuốc viên nang thường được áp dụng đối với một số kháng sinh, ngoài ra có thể là các vitamin hoặc thuốc long đờm.
Vì vậy, nếu con bạn không uống được cả viên con nhộng, bạn nên đề nghị với bác sĩ khám bệnh cho con chuyển sang dạng thuốc bột hoặc nhũ tương. Những thuốc này có thể hấp thu tại niêm mạc dạ dày của trẻ dễ dàng hơn các dạng thuốc khác, đồng thời tránh hóc (vào đường ăn hoặc đường thở của trẻ), đặc biệt đối với trẻ dưới 5 tuổi.
PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào