Chính biên độ cử động lớn và khả năng vận động phức tạp khiến khớp gối dễ bị tổn thương. Tổn thương này rất đa dạng và nhiều mức độ, vì vậy, việc nhận biết và phòng tránh vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số chấn thương thường gặp ở khớp gối.
Xương bánh chè
Xương bánh chè giữ chức năng chính trong hệ thống duỗi gối. Vì vậy, xương bánh chè dễ bị tổn thương do tai nạn giao thông, lao động hoặc sinh hoạt. Tổn thương bánh chè thường xảy ra khi bệnh nhân bị ngã đập gối xuống đất thấy đau chói ở mặt trước khớp gối, không thể tự duỗi gối được. Có thể nhìn thấy khớp gối bị sưng nề to, mất các lõm tự nhiên. Nếu người bệnh đến cơ sở y tế muộn có thể có vết tím bầm ở dưới da. Ấn nơi xương gãy thấy có điểm đau chói. Sờ thấy khe giãn cách giữa hai đoạn gãy. Khám thấy dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè và làm được động tác di động ngược chiều giữa 2 đoạn gãy.
Khớp gối là khớp có biên độ vận động lớn và linh hoạt.
Đối với trường hợp người bệnh bị gãy xương bánh chè cần sơ cứu bằng cách cố định tạm thời từ 1/3 giữa đùi đến bàn chân trên nẹp ê-ke gỗ, nẹp Crame trong tư thế duỗi gối hoàn toàn. Sau đó, chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp. Tuyệt đối không được điều trị theo mách bảo, đắp lá, đắp thuốc có thể dẫn tới biến chứng khớp giả xương bánh chè.
Gãy xương bánh chè nếu được điều trị sớm, đúng phương pháp thì xương sẽ nhanh liền và phục hồi chức năng khớp gối tốt sau 3-4 tháng. Nếu không được điều trị, chăm sóc đúng có thể có các biến chứng: viêm mủ khớp gối, teo cơ tứ đầu đùi, xơ hóa, vôi hóa các dây chằng bao khớp gây hạn chế vận động gấp duỗi gối, khó phục hồi chức năng của chi; liền lệch xương bánh chè, biến chứng khớp giả xương bánh chè…
Khi chấn thương khớp gối chưa thể nhận biết có tổn thương xương bánh chè hay không thì người bệnh cần được nghỉ ngơi, bất động để theo dõi. Để giảm đau, nên lấy khăn lạnh hoặc gói đá vào khăn và chườm trong 20 phút, bỏ ra 20 phút, cứ lặp lại như vậy (không đặt đá lạnh trực tiếp lên da). Sau đó, cần theo dõi nếu tình trạng sưng đau phù nề không giảm hoặc đau càng tăng thì có thể là tổn thương hoặc gãy xương bánh chè.
Tổn thương dây chằng chéo sau
Dây chằng chéo sau nằm ở trung tâm khớp gối, có chức năng chính là chống sự di lệch ra sau của mâm chày và lồi cầu đùi, đặc biệt khi gối gấp 90 độ, phối hợp với các dây chằng khác của khớp gối giữ vững khớp. Cơ chế chấn thương chủ yếu của dây chằng chéo sau thường do lực tác động mạnh vào mặt trước đầu trên của cẳng chân. Tổn thương dây chằng chéo sau nếu không điều trị kịp thời, đúng phương pháp có thể dẫn đến biến chứng hạn chế chức năng, thoái hóa khớp gối. Khi bị tổn thương dây chằng chéo sau người bệnh thấy khớp gối không vững, đặc biệt khi lên xuống cầu thang, làm cho bệnh nhân không thể tham gia các hoạt động mạnh (chạy, nhảy, chơi thể thao…), quan sát thấy đùi bên chân bệnh teo hơn so với bên lành, nhìn đầu trên của cẳng chân bị “tụt” ra sau. Nếu tổn thương kéo dài bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng như đau và nề khớp gối, đó là hậu quả do thoái hóa khớp.
Một số trường hợp, có thể phải cân nhắc phẫu thuật như tổn thương cấu trúc hỗ trợ, thường là dây chằng bên ngoài hoặc bao khớp phía sau ngoài. Mức độ lỏng gối nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận động, đặc biệt là chơi thể thao, thang điểm chức năng gối giảm, chụp phim Xquang có kéo tạ mức độ di lệch của khớp nhiều. Tổn thương dây chằng chéo sau ở vị trí bám mà diện bám bị di lệch nhiều, còn gọi là bong diện bám của dây chằng chéo sau; tổn thương cả hai dây chằng chéo trước và chéo sau.
Tổn thương sụn chêm
Sụn chêm khớp gối có vai trò khá quan trọng trong việc phân phối truyền lực từ xương đùi xuống xương chày và góp phần quan trọng làm vững khớp gối. Sụn chêm hoạt động như các giảm xóc, hấp thu và truyền lực đều từ lồi cầu xương đùi xuống xương chày, làm giảm sang chấn sụn khớp. Sụn chêm chịu đựng khoảng 45% trọng lượng của cơ thể và di động trên bề mặt mâm chày song song với việc gấp duỗi gối. Mặt cong của nó có tác dụng phân phối lực và chuyển bớt từ 30-55% lực sang ngang, khi có đủ sụn chêm thì diện tiếp xúc tăng lên 2,5 lần. Tuy nhiên, khi bị thương tổn sụn chêm, các lực trên thông thường phối hợp với nhau, tùy ưu thế của lực nào mạnh mà cho ra hình dạng thương tổn khác nhau. Khi gối duỗi nhanh sụn chêm không chạy ra trước kịp, bị kẹp giữa hai mặt khớp gây rách sụn chêm. Khi khớp gối co nửa chừng cùng quá trình xoay cùng lúc với dạng đột ngột cũng làm cho sụn chêm bị kẹp giữa hai mặt khớp…
Hậu quả của tổn thương sụn có thể gây đau, sưng nề kèm theo hạn chế vận động khớp gối. Làm giảm cơ năng khớp gối do đó lâu dần gây teo cơ tứ đầu đùi (teo cơ thường xảy ra vào tuần thứ 3 sau chấn thương). Trong một số trường hợp rách sụn chêm kiểu bucket-handle, mảnh sụn rách có thể kẹt vào khe khớp gây kẹt khớp phải mổ nội soi cấp cứu cắt sụn chêm. Mặt khác khi sụn chêm bị tổn thương làm tăng lực tỳ đè trực tiếp từ lồi cầu xương đùi xuống mâm chày, cộng với quá trình viêm của khớp gây tổn thương sụn khớp… là nguyên nhân của thoái hóa khớp sau này.
Chấn thương vùng gối rất hay gặp trong thể thao cũng như trong tai nạn sinh hoạt hằng ngày. Thường nếu không thấy gãy xương vùng gối, mọi người hay nghĩ đến chấn thương phần mềm hoặc là bong gân đầu gối, mà quên rằng còn có thể bị rách (vỡ) sụn chêm, nặng hơn nữa là đứt dây chằng đầu gối. Do đó, nếu có một chấn thương vùng gối, sau đó đi lại thấy đau kéo dài, dùng thuốc không hết và gây khó chịu, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
ThS.BS. Vũ Nam