Bệnh gút ngày càng gia tăng và khó điều trị, tại sao?

Nhiều bệnh nhân vì không được chẩn đoán và điều trị đúng một thời gian dài nên phải gánh chịu nhiều hậu quả xấu của bệnh. Sự thiếu hiểu biết đã làm cho gút – một bệnh vốn dễ chẩn đoán và dễ kiểm soát đã trở thành một bệnh nan y.

Gút là một bệnh lý viêm khớp do rối loạn chuyển hóa các purin (quá trình chuyển hóa các acid nhân của mọi tế bào), một bệnh lý quan trọng nhất trong nhóm các bệnh khớp do tinh thể (Crystal Arthropathies) đưa đến tình trạng tăng acid uric trong máu.

Tình trạng tăng acid uric có thể do tăng sản xuất acid uric trong cơ thể hoặc giảm bài xuất acid uric ra ngoài cơ thể hoặc do cả hai quá trình trên. Và hậu quả là sự lắng đọng các tinh thể muối urate ở các mô trong cơ thể. Khi nồng độ acid uric trong máu tăng lên, dẫn tới lắng đọng tinh thể urat tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da, các mô ngoài khớp, nhu mô và ống thận, mạch máu… gây bệnh gút và các biến chứng từ nhẹ đến nặng của bệnh.

Bệnh gút ngày càng gia tăng và khó điều trị, tại sao?Lắng đọng tinh thể urat ở các cơ quan trong bệnh gút mạn tính.

Bệnh thường gặp ở quý ông

Bệnh gút thường gặp ở những quý ông sau tuổi 30, có cơ địa đặc biệt (rối loạn chuyển hóa purin và rối loạn chuyển hóa) thường xuyên sử dụng các thực phẩm giàu đạm và uống nhiều rượu bia. Có thể nói, thói quen ăn uống không kiểm soát là một nguyên nhân quan trọng khiến nam giới có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn nữ giới.

Không như những bệnh viêm khớp khác, bệnh gút hiếm gặp ở phụ nữ (chỉ khoảng 10% bệnh nhân là nữ). Trong đó, 90% bệnh nhân nữ phát bệnh sau tuổi mãn kinh. Ở phụ nữ, estrogen (hormon sinh dục nữ) đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải acid uric trong máu. Đây cũng là lý do phụ nữ trẻ rất ít khi bị gút. Tuy nhiên, khi bước sang thời kỳ mãn kinh, mức estrogen suy giảm sẽ kéo theo sự gia tăng nồng độ acid uric trong máu, vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở phụ nữ lớn tuổi.

Nguyên nhân khiến bệnh gút ngày càng gia tăng

Mức sống và lối sống có ảnh hưởng rõ rệt tới tỉ lệ mắc bệnh. Mức sống và điều kiện kinh tế của nhân dân ta đã tăng lên rõ rệt và có sự thay đổi lối sống theo kiểu phương tây… Những điều này đã góp phần thay đổi cơ cấu bệnh tật của nước ta. Các bệnh được coi là của các nước phát triển đã ngày càng xuất hiện nhiều ở nước ta, trong đó phải kể đến bệnh gút cùng tỉ lệ tăng acid uric máu khá cao. Một số lý do làm gia tăng các bệnh này là:

Tăng lượng tiêu thụ bia, rượu ở cộng đồng; Tăng sử dụng thiazide và liều nhỏ aspirin cho các bệnh lý tim mạch; Tăng sử dụng chế độ ăn giàu purin (thịt đỏ, nội tạng động vật như gan, lòng bò, lòng heo…); Gia tăng các bệnh lý chuyển hóa như béo phì, tăng huyết áp….

Gia tăng tỉ lệ người trên 65 tuổi và có mối liên quan giữa sự lắng đọng tinh thể urate và sụn khớp bị thoái hóa.

Gia tăng và kéo dài cuộc sống của các bệnh nhân suy thận mạn (gia tăng số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và bệnh nhân ghép thận).

Các yếu tố làm bệnh gút tiến triển nặng

Việc sử dụng tùy tiện, dài ngày các thuốc kháng viêm loại corticosteroid, aspirin, thuốc lợi tiểu thiazide, đặc biệt là corticosteroid vừa làm bệnh nặng lên vừa gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như thay đổi hình dạng cơ thể, loãng xương, teo cơ, nhiễm trùng, viêm loét đường tiêu hóa, suy tuyến thượng thận, thúc đẩy nhanh việc hình thành các tophi…

Các bệnh thường đi kèm với bệnh gút như tăng huyết áp, bệnh thận mạn, đái tháo đường, bệnh mạch vành, béo phì… cũng làm cho bệnh diễn biến phức tạp hơn và khó kiểm soát hơn. Kiểm soát tốt các bệnh trên cũng ảnh hưởng tốt tới tiến triển của bệnh.

Gút có phải là bệnh bất trị?

Gút là một loại bệnh viêm khớp đáp ứng tốt với điều trị. Nếu được điều trị đúng, ngay ở giai đoạn cấp tính, bệnh có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Các đợt viêm khớp sẽ không tái diễn, bảo tồn được cấu trúc và chức năng của khớp, tránh được các biến chứng của bệnh.

Bệnh gút ngày càng gia tăng và khó điều trị, tại sao?

Hiện nay, đã có thêm hiểu biết về chuyển hóa purin trong cơ thể, có thêm các trị liệu mới, hiệu quả và an toàn. Các trị liệu này giúp cho việc kiểm soát bệnh tốt hơn, đặc biệt trên các bệnh nhân bị bệnh thận mạn, suy thận, dị ứng thuốc hay không đáp ứng với các thuốc trị gút trước đây.

Ở nước ta, bệnh gút có thể được chẩn đoán sớm ở các bệnh viện tuyến tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến huyện vì không đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vì không được chẩn đoán và điều trị đúng một thời gian dài nên phải gánh chịu nhiều hậu quả xấu của bệnh và hậu quả xấu của việc điều trị không hợp lý. Đa số bệnh nhân gút thường có xu hướng tự mua thuốc điều trị, việc tự điều trị này đồng nghĩa với bệnh sẽ không được kiểm soát đúng, bệnh sẽ nặng thêm và trở thành bất trị. Nhiều bệnh nhân đã ở giai đoạn nan y và tàn phế: biến dạng, mất chức năng của nhiều khớp, loét và chảy máu đường tiêu hóa, sỏi thận, suy thận giai đoạn cuối…

Mọi người, đặc biệt nam giới tuổi trung niên, cần cảnh giác với các hiện tượng sưng đau đột ngột, bất thường ở ngón chân, bàn chân, cổ chân… Khi có bệnh, cần tới các thầy thuốc chuyên khoa sớm để được chẩn đoán xác định và điều trị đúng ngay từ đầu để bệnh khỏi trở thành bệnh nan y.

 

Mối liên quan giữa bệnh gút và bệnh thận mạn

Tăng acid uric máu, bệnh gút và bệnh thận mạn có liên quan chặt chẽ với nhau, nồng độ acid uric máu cao là yếu tố nguy cơ độc lập giúp dự báo bệnh thận mạn, nồng độ acid uric máu cao làm chức năng thận xấu đi, chức năng thận giảm sút làm giảm thải trừ acid uric… Có tới 70% bệnh nhân gút có bệnh thận mạn giai đoạn 2-3. Tăng acid uric máu là yếu tố thúc đẩy tiến trình của bệnh thận mạn nhưng cũng có thể là hậu quả của việc giảm thải acid uric qua thận (do giảm chức năng, do di truyền, do ảnh hưởng của thuốc…). Chính vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ acid uric máu là một mục tiêu quan trọng trong điều trị bệnh thận mạn.

 

PGS.TS.BS. Lê Anh Thư

Rate this post