Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ đang bú mà người mẹ mang thai thì người mẹ gặp khó khăn gì khi nuôi con và cần làm gì để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ, trẻ và thai nhi?
Trong thời gian cho con bú mà người mẹ mang thai thì cần làm gì?
Sau khi sinh con và trong thời gian cho con bú, người mẹ nếu có quan hệ vợ chồng thì khả năng mang thai là rất cao. Thông thường sau 6 tuần hậu sản, người phụ nữ đã phục hồi về cơ quan sinh dục và có thể quan hệ vợ chồng trở lại. Người mẹ cho con bú có thời gian rụng trứng và có kinh nguyệt trở lại sau khoảng từ 4-6 tháng, những mẹ không cho con bú có thời gian rụng trứng và có kinh nguyệt trở lại sớm hơn khoảng từ 6-10 tuần. Trong khi bà mẹ cho con bú mà có thai thì người mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú, thậm chí một số bà mẹ vẫn cho con bú đến khi sinh trẻ thứ hai (cho con bú song song). Do đó, người mẹ cần phải ăn uống nhiều hơn, tốt hơn vì phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mẹ, cho con và cho thai nhi.
Giai đoạn đầu có thai, bà mẹ thường bị nghén, thời gian nghén mất từ 1-3 tháng, những tháng sau thai to gây chèn ép cho nên bà mẹ ăn uống nhiều và ngày càng tăng lên là khó khăn và khiến cơ thể mẹ quá mệt mỏi. Vì vậy, thời gian cho con bú đến khi nào thì cai sữa tốt nhất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tốt cho sức khỏe của mẹ, cho con và cho thai nhi.
Bà mẹ cho con bú song song cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
Việc mang thai khiến người mẹ mệt mỏi, nhất là giai đoạn nghén, thay đổi hormon, ăn uống kém có thể dẫn đến mất sữa mà nếu chưa mất thì đôi khi cũng phải cai sữa (cần tư vấn của bác sĩ sản khoa khi khám thai) vì động tác cho con bú sẽ tạo ra các kích thích, làm co bóp tử cung dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Người thiệt thòi nhất ở đây rõ ràng là đứa con đầu lòng bởi vai trò của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ. Việc mang thai lại quá sớm còn gây ra một số vấn đề như tăng khả năng sẩy thai, sinh non, làm người mẹ mệt mỏi nhiều. Những người đã trải qua thai kỳ có bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật), đái tháo đường thai kỳ… sẽ có nguy cơ tái phát và diễn tiến nặng hơn.
Việc cai sữa sớm là rất nguy hiểm cho trẻ, vì vậy nếu mẹ đang mang thai vẫn nên tiếp tục cho con bú kéo dài ít nhất là đến thời kỳ trẻ ăn bổ sung tốt. Nếu mẹ cần phải cai sữa trẻ thì nên cai sữa từ từ. Giảm số lần bú trong ngày. Cai sữa đột ngột có thể gây ra sang chấn tinh thần làm cho trẻ không chịu ăn và dễ mắc bệnh.
Bà mẹ cho con bú song song gặp khó khăn gì?
Ảnh hưởng đến thai nhi: Mỗi khi mẹ cho con bú cơ thể sẽ tiết ra prolactin. Lúc này sữa sẽ được sản xuất và tích trữ trong các nang sữa, nếu hàm lượng prolactin quá thấp, nguồn sữa mẹ sẽ giảm. Oxytocin được giải phóng khi em bé bắt đầu hút và kéo núm vú vào miệng; nó làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang, đi vào các ống dẫn sữa và di chuyển tới núm vú rồi vào miệng bé; làm co cơ tử cung trong và sau khi sinh, giúp cơ quan này thu nhỏ lại về kích thước ban đầu, hạn chế xuất huyết sau sinh. Nhưng với hầu hết phụ nữ, các cơn co thắt này thường không gây ra bất cứ vấn đề gì. Chỉ những phụ nữ có tiền sử chuyển dạ sớm hay sẩy thai hoặc tăng cân ít trong suốt thời kỳ mang thai hay từng bị chảy máu mới nên cân nhắc việc có cho bé lớn bú tiếp hay không.
Trẻ bú cả sữa non
Khi thai được 5-6 tháng (quý 2 của thai kỳ) tuyến vú bắt đầu tạo sữa non. Sữa này có màu vàng, đặc dính, rất giàu chất dinh dưỡng và các kháng thể. Điều này khiến mùi vị cũng như lượng sữa tiết ra từ vú mẹ sẽ có những thay đổi nhất định. Trẻ được bú mẹ sẽ bú sữa non, mẹ không nên lo lắng rằng nguồn sữa non có thể bị cạn, bởi vì cơ thể mẹ sẽ tiếp tục tiết ra loại sữa non cho đến khi em bé ở trong bụng mẹ chào đời.
Chất lượng, số lượng sữa có thể thay đổi
Phụ nữ mang thai khi cho con bú sẽ làm thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể khiến nguồn sữa mẹ bớt thơm ngon làm trẻ không thích thú. Đồng thời, khi mang thai mẹ nào bị ốm nghén sẽ thường ăn ít, chán ăn nên cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Sữa không còn ngon ngọt như ban đầu khiến trẻ bú ít hoặc bỏ bú. Vì vậy, trong thời gian cho con bú người mẹ cần ăn uống đầy đủ, hợp lý, thực hiện duy trì nguồn sữa mẹ và chất lượng nguồn sữa cho con bú.
Biện pháp khắc phục thế nào?
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, với bà mẹ khỏe mạnh bình thường, sau cuộc sinh đẻ lần thứ nhất nếu muốn mang thai lần thứ hai thì nên cách thời gian ít nhất 2 năm, nhằm đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt cho người mẹ, đồng thời có thời gian để chăm sóc và nuôi dưỡng tốt cho đứa con của mình. Là người phụ nữ, ai chẳng muốn con mình phát triển tốt cả thể thể lực, tầm vóc và trí tuệ.
Để đạt được điều đó, mỗi người mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng… Từ kiến thức đó, khi bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ mới có thực hành tốt trong nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.
Nguyễn Trung Oanh