Viêm xoang hay bị chẩn đoán nhầm thành viêm mũi dị ứng

Ảnh: christinas-home-remedies.com

Ảnh: christinas-home-remedies.com.

Theo một khảo sát gần đây của Tổ chức Hen và Dị ứng Mỹ, hầu hết các bệnh nhân dị ứng không thể nói được sự khác biệt giữa hai căn bệnh này. Trong khảo sát trên 600 bệnh nhân, khoảng một nửa số người tự chẩn đoán các triệu chứng của mình là dị ứng, trong khi thực ra họ đã có một đợt nhiễm trùng xoang, hay viêm xoang.

Chính vì thường tự chẩn bệnh sai, nên chỉ một số ít đi gặp bác sĩ.

“Nghiên cứu này cho thấy người ta thường xuyên tự chẩn đoán cho mình. Chúng ta là con người mà. Một phản ứng tự nhiên là lên mạng search, và tự đưa ra kết luận. Nhưng mỗi ngày, có tới 10-15 bệnh nhân tới chỗ tôi, tin chắc rằng mình bị bệnh X, và té ra họ lại mắc bệnh Y”, tiến sĩ Stacey Silvers, một bác sĩ tai mũi họng tại Bệnh viện Beth Israel ở New York cho biết.

Dawn Burley, 27 tuổi, là một người như vậy. Trong nhiều năm liền, cô thấy mình đau đầu, đau mặt, mệt mỏi, và chỉ nghĩ đó là dấu hiệu dị ứng theo mùa cũng như bệnh đau nửa đầu. Nhưng thuốc dị ứng không làm bớt triệu chứng, và cô ghét việc phải điều trị đau đầu mà chẳng biết chúng do từ đâu. Dần dần, Burley đau cả quanh mắt đến mức nhạy cảm với ánh sáng và khó ngủ.

Cho đến khi gặp bác sĩ Silvers, cô mới biết bệnh thật từ xoang.

“Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân nói rằng họ không thấy có gì là bất thường khi đêm nào mũi của họ cũng ngạt tịt. Họ không nhận ra rằng hầu hết mọi người có thể thở thông thoáng cả hai lỗ mũi. Họ quen với điều đó, và không nghĩ đó là bệnh, cần phải chữa”, Silvers nói.

Nhiều bác sĩ cũng nhất trí rằng có sự nhầm lẫn phổ biến giữa cảm lạnh, viêm xoang và các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Điều đó có nghĩa là nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm hoặc bị bỏ qua, có thể dẫn đến ngạt mũi kinh niên và các triệu chứng đi kèm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Và đây là cách phân biệt 3 loại bệnh lý này dựa theo triệu chứng:

Cảm lạnh thông thường: “Cảm lạnh và dị ứng có biểu hiện giống nhau”, Silvers cho biết, vì thế cách phân biệt tốt nhất dựa vào là thời gian: Nếu bạn nghẹt mũi và khó thở kéo dài hơn 7-10 ngày, đó có thể không phải là cảm lạnh. Hầu hết các trường hợp đó là dị ứng, và cần chữa bằng thuốc kháng histamin, chứ không phải thuốc làm thông mũi.

– Dị ứng theo mùa: Nếu ngạt mũi đi kèm với chảy nước hoặc ngứa mắt, và có xu hướng kéo dài nhiều tuần, đó có thể là dị ứng. Vấn đề là, nhiều người thường điều trị dị ứng theo cách như với cảm lạnh, với cách tự dùng thuốc thông mũi không cần bác sĩ kê đơn, vốn chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn nhưng không thích hợp. “Khi bệnh nhân dùng thuốc thông mũi hàng ngày và cả đêm để dễ ngủ trong nhiều tuần, điều đó không tốt”, chuyên gia nói. Đặc biệt khi dị ứng có thể do xuất phát từ môi trường sống, chẳng hạn chiếc gối lông.

Viêm xoang hoặc viêm xoang mãn tính: với viêm xoang, đường thở trở nên tấy đỏ và hàng lít nước nhầy sẽ được tiết ra do phản ứng của cơ thể. “Đó là khi người bệnh thấy đau đầu, tức hoặc đau ở vùng mặt và mệt mỏi kinh niên”, Silvers cho biết.

Nếu bạn đau nhẹ vùng mặt, tức hoặc đau đầu vùng sau mắt hoặc trán, hoặc mất khả năng ngửi mùi và ngạt mũi, bạn có thể đã bị viêm xoang. Nếu bạn bị tình trạng này từ 3 lần trở lên trong một năm, bạn có thể đã bị viêm xoang mãn tính, và nên được bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

Điều mọi người thường không biết là, họ có thể bị viêm xoang mà không chảy nước mũi, ngạt mũi hay khó thở, bởi chất nhày nằm kẹt sâu trong xoang.

Nếu bạn gặp bất cứ triệu chứng nào trong số các triệu chứng nói trên, và chúng không thuyên giảm sau 1 tuần hoặc hơn (khi đó loại trừ khả năng là cảm lạnh hay cảm cúm), bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

T. An

Rate this post