Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh khớp. Ở Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh là 0,5% – 3% dân số là người lớn và 20% số bệnh nhân khớp nằm điều trị tại các bệnh viện. Bệnh có tính chất gia đình và yếu tố thuận lợi để bệnh khởi phát là sau chấn thương, cơ thể suy yếu, sinh đẻ, lạnh ẩm kéo dài…
Nhận diện viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng khởi phát: Bệnh bắt đầu từ từ, tăng dần ở 85% số bệnh nhân, 15% bệnh xuất hiện đột ngột với các dấu viêm cấp, đa số bằng viêm một khớp, đó là một trong các khớp bàn tay (cổ tay, bàn ngón, ngón gần), gối. Kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển qua giai đoạn toàn phát.
Triệu chứng toàn phát: Viêm nhiều khớp. Biểu hiện sớm là các khớp ở chi, trội hơn thấy ở các khớp xa gốc chi như khớp đốt ngón, đốt bàn tay hoặc bàn chân, cổ tay hoặc cổ chân. Muộn hơn thấy viêm các khớp khuỷu, vai, háng, đốt sống cổ, thái dương hàm, ức đòn.
Tính chất viêm: Xu hướng viêm các khớp cả hai bên và đối xứng. Sưng, đau và hạn chế vận động, ít nóng đỏ, có thể có tràn dịch ở khớp gối. Đau tăng nhiều về đêm gần sáng, cứng khớp buổi sáng. Viêm khớp hoạt động từng đợt. Giai đoạn muộn, các khớp bị biến dạng như ngón tay có hình thoi, nhất là các ngón 2 và ngón 3. Biến dạng khớp đặc trưng xuất hiện chậm hơn như bàn tay gió thổi, bàn tay lưng lạc đà.
Thăm khám cho người mắc bệnh viêm khớp bàn tay.
Triệu chứng ngoài khớp: Toàn thân có thể sốt nhẹ, da xanh, ăn ngủ kém, gầy, rối loạn thần kinh thực vật. Biểu hiện cạnh khớp có thể thấy hạt thấp dưới da, hạt nổi gồ lên khỏi mặt da, chắc, không đau có đường kính khoảng 0,5 – 2cm thường gặp ở trên xương trụ gần khớp khuỷu, trên xương chày gần khớp gối, số lượng từ một đến vài hạt. Da khô teo, phù một đoạn chi, hồng ban lòng bàn tay. Teo cơ rõ ở vùng quanh khớp viêm, viêm gân hay gặp là gân Achille.
Có thể gặp trên lâm sàng nhưng rất hiếm là tổn thương cơ tim kín đáo, có thể có viêm màng ngoài tim. Viêm màng phổi nhẹ, xơ phế nang. Lách to và giảm bạch cầu trong hội chứng Felty. Mất vôi ở xương và gãy tự nhiên. Ngoài ra, còn có thể gặp viêm giác mạc, viêm mống mắt, thiếu máu nhược sắc, rối loạn thần kinh thực vật, nhiễm Amyloid có biểu hiện chủ yếu ở thận, thường xuất hiện rất muộn.
Chẩn đoán bệnh có khó không?
Để chẩn đoán chính xác giai đoạn của viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể được thực hiện một số phương pháp xét nghiệm sau:
Chụp Xquang: Giai đoạn đầu thấy mất vôi ở vùng đầu xương. Sau đó là khuyết xương hay ăn mòn xương phần tiếp giáp với sụn khớp, rồi hẹp khe khớp. Sau cùng là huỷ phần sụn khớp và đầu xương gây dính và biến dạng khớp.
Xét nghiệm sinh học: Gồm dấu hiệu viêm, rối loạn miễn dịch, xét nghiệm dịch khớp. Sinh thiết màng hoạt dịch thấy năm tổn thương: Tăng sinh các hình lông của màng hoạt dịch, tăng sinh các lớp phủ hình lông, xuất hiện những đám hoại tử giống như tơ huyết, tăng sinh mạch máu tân tạo, thâm nhập nhiều tế bào viêm quanh các mạch máu. Khi có từ ba tổn thương trở lên có thể hướng đến chẩn đoán xác định. Sinh thiết hạt dưới da: Ở giữa là một đám hoại tử dạng tơ huyết, xung quanh được bao bọc bởi nhiều tế bào lympho và tương bào.
Các thuốc nào điều trị?
Do viêm khớp dạng thấp là bệnh tiến triển mạn tính nên hiện nay chưa có biện pháp điều trị khỏi hẳn bệnh. Các liệu pháp điều trị đang được áp dụng chỉ nhằm chấm dứt giai đoạn hoạt động của bệnh, làm chậm tiến triển của bệnh và hạn chế các biến chứng, duy trì chức năng của khớp. Tuy nhiên, cần kết hợp nhiều biện pháp như điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chỉnh hình.
Nhóm thuốc thường được sử dụng là thuốc chống viêm giảm đau không steroid nhưng chỉ được dùng theo chỉ định chặt chẽ, không được lạm dụng. Các thuốc tác dụng làm thay đổi diễn tiến của bệnh được gọi là nhóm thuốc DMARD (Disease Modifying Anti – Rheumatic Drugs). Các thuốc DMARD kinh điển như D-penicillamin, chloroquin, muối vàng có hiệu quả tốt nhưng có nhiều tác dụng không mong muốn nên việc sử dụng bị hạn chế. Hiện nay có các thuốc DMARD mới được gọi là DMARD sinh học đang được sử dụng và nghiên cứu đã mang lại nhiều kết quả tốt và ít tác dụng không mong muốn hơn.
TS. Hoàng Hà