Đối với người phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh nở, thông thường lời chúc của những người thân là “mẹ tròn con vuông”. Để đạt được điều mong ước này, việc chăm sóc người mẹ trước sinh và chăm sóc cho cả mẹ lẫn con an toàn trong khi sinh là vấn đề cần quan tâm thực hiện.
Chăm sóc trước khi sinh
Việc chăm sóc người mẹ trước khi sinh ở các nước phát triển được tổ chức một cách rất chu đáo và hiện đại. Người phụ nữ được thăm khám ngay sau khi có dấu hiệu tắt kinh để xác định có thai hay không. Khi thai được 2 tháng, có thể được xét nghiệm nước ối để chẩn đoán sớm các bệnh tật di truyền. Lúc thai được 4 tháng, có thể được chẩn đoán bằng siêu âm để biết thai phát triển bình thường hay có dị tật. Khi có yếu tố nghi ngờ, bào thai có thể làm sinh thiết để phát hiện bệnh. Những thai nhi bệnh lý có thể tiến hành điều trị ngay trong tử cung của người mẹ như thay máu, sử dụng kháng sinh nếu thai nhi bị mắc bệnh giang mai bẩm sinh… Ở những nước đang phát triển, nguy cơ bệnh uốn ván sơ sinh hay uốn ván rốn vẫn có khả năng tồn tại, vì vậy người mẹ thường được tiêm vắcxin phòng bệnh uốn ván 2 mũi tiêm khi thai nhi được 8 tháng tuổi và trước khi sinh khoảng 2 tuần. Trên thực tế, những lần khám thai thường xuyên sẽ giúp cho người mẹ nhận được những lời khuyên của bác sĩ về ăn uống, lao động, bảo vệ sức khỏe. Trên cơ sở này, bác sĩ có thể tiên lượng được tình trạng sức khỏe của người mẹ và thai nhi để có dự kiến trước việc thực hiện cuộc sinh đẻ được an toàn nhất.
Phút ra đời của đứa trẻ là một thời khắc hạnh phúc nhưng cũng khá nguy hiểm vì những tai biến xảy ra trong quá trình sinh nở sẽ để lại hậu quả suốt đời
Ở nước ta trong thời gian trước đây, những lời khuyên của bác sĩ đối với các bà mẹ mang thai còn rất ít, việc quản lý thai sản của người mẹ cũng chưa được cộng đồng người dân quan tâm. Do đó tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai còn chiếm tỉ lệ cao, tỉ lệ trẻ có mức cân nặng đạt tiêu chuẩn khi sinh ra còn thấp, tỉ lệ phụ nữ mang thai và sinh đẻ sớm vẫn còn nhiều. Trong trường hợp người phụ nữ sinh con dày, sinh con nhiều, lúc mang thai chỉ lên cân được từ 7 – 8kg thì khả năng trẻ sinh ra chậm phát triển về chiều cao cũng như trọng lượng cân nặng là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai thực hiện một cách phổ biến, đồng bộ, rộng rãi có hiệu quả nên tình trạng tồn tại, nhược điểm như trước đây đã được cải thiện, khắc phục.
Chăm sóc trong khi sinh
Cần lưu ý rằng việc tổ chức cuộc sinh đẻ an toàn là công việc quan trọng hàng đầu trong chăm sóc khi sinh nở. Có thể nói giờ phút ra đời của đứa trẻ là một thời điểm khá nguy hiểm vì những tai biến xảy ra trong quá trình sinh đẻ sẽ để lại hậu quả suốt đời. Một cuộc sinh nở được tổ chức an toàn phải yêu cầu có các điều kiện như: ngoài trình độ, nghiệp vụ của bác sĩ và nhân viên y tế, trang thiết bị và dụng cụ cần thiết… còn phải quan tâm đến vấn đề môi trường và các yếu tố tinh thần, tâm lý khác. Cần chuẩn bị đầy đủ mọi vấn đề để bảo đảm cuộc sinh đẻ được an toàn cho cả mẹ lẫn con.
Người mẹ thường được tiêm vắcxin phòng bệnh uốn ván
Hiện nay một số nước trên thế giới có chủ trương, khuyến cáo, chỉ định người phụ nữ mang thai nên sinh đẻ tại các bệnh viện đa khoa ở quận, huyện, thị xã, thành phố, tỉnh hoặc trung ương; nơi có sự hợp đồng tốt của các bác sĩ sản khoa, ngoại khoa, nội khoa, nhi khoa… để có thể xử trí tốt các tình huống xấu có thể xảy ra khi người phụ nữ sinh đẻ. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn chỉ là nơi quản lý và chăm sóc thai sản mà thôi.
Thực tế khái niệm về môi trường của khoa sản, phòng sinh, nhà hộ sinh hiện nay cũng khá gần gũi với cuộc sống cộng đồng người dân và có tính chất nhân đạo hơn. Không nên cách ly sản phụ với những người thân của mình vì làm như vậy họ sẽ cảm thấy cô đơn, căng thẳng khi đi vào một cuộc sinh đẻ giống như một cuộc chiến đấu sống còn của mẹ và con. Phải nên để cho người mẹ, chị em hoặc người chồng của sản phụ có điều kiện trực tiếp ở bên cạnh để vỗ về, an ủi.
Những lần khám thai thường xuyên sẽ giúp cho người mẹ nhận được những lời khuyên của bác sĩ về ăn uống, lao động, bảo vệ sức khỏe
Phòng sinh phải được sắp xếp, bố trí với môi trường ấm, sạch và thoáng. Có nơi đã cho người mẹ nằm sinh trên giường bình thường vì những chiếc bàn sinh bằng sắt với tư thế nằm đặc biệt sẽ gây bất lợi về mặt tâm lý cho sản phụ khi sinh nở. Lưu ý đứa trẻ ngay khi mới sinh ra đời phải cần được thăm khám một cách toàn diện. Những dấu hiệu như trẻ không khóc, không thở, tím tái… là rất nguy hiểm, cần phải được cấp cứu kịp thời. Trẻ vừa mới chào đời sau khi được sinh ra đã khóc ngay và khóc to là dấu hiệu biểu hiện sự sống tốt lành, khỏe mạnh. Ngay từ khi đứa trẻ mới lọt lòng, cần phải giữ ấm cho trẻ bằng cách dùng một khăn lông mềm, ấm để lau sạch qua và đặt trẻ lên ngực của người mẹ để trẻ được sưởi ấm tốt. Nếu trẻ khỏe, có thể cho trẻ bú ngay sau khi cắt rốn. Trẻ cần được bú sớm ngay với sữa non, không nên cho trẻ nhịn hoặc uống nước đường, uống sữa chín của người mẹ khác vì trẻ dễ bị tiêu chảy bởi những loại thức ăn không thích hợp này.
Lời khuyên của thầy thuốc
Chăm sóc sức khỏe của trẻ từ trong bào thai cho đến khi trẻ được 5 tuổi là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với y học dự phòng, đây cũng là một vấn đề đặc biệt đối với chiến lược bảo vệ sức khỏe con người vì giai đoạn phát triển rất ngắn ngủi này của trẻ có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ sự phát triển tương lai của một con người. Trong giai đoạn này, trước hết việc chăm sóc trước khi sinh và trong khi sinh như đã nêu ở trên cần được quan tâm chú ý để người mẹ có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, phát triển bình thường; bảo đảm an toàn cho cả mẹ lẫn con, đạt được yêu cầu “mẹ tròn con vuông”.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH