Có nhiều phụ nữ sau khi sinh con xuất hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm như: mất hứng thú trong cuộc sống, ăn không ngon, có cảm giác tội lỗi, nặng hơn có ý nghĩ hành vi tự sát… Vậy trong trường hợp này dùng thuốc điều trị như thế nào?
Nguyên nhân nào dẫn tới trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh có nghĩa là trước khi đẻ, người phụ nữ đó không bị trầm cảm. Các triệu chứng của trầm cảm xuất hiện rõ rệt đủ nặng để chẩn đoán là trầm cảm phải xuất hiện trong vòng 30 ngày sau khi đẻ. Nếu các triệu chứng trầm cảm xuất hiện ngoài giai đoạn này thì không được gọi là trầm cảm sau sinh (chỉ là trầm cảm thông thường).
Thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Người ta quan tâm đến trầm cảm sau sinh vì các lý do sau: các triệu chứng trầm cảm xuất hiện rất nhanh, nhiều, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của mẹ và bé; người mẹ hay có ý định và hành vi tự sát, kèm theo là ý định và hành vi giết em bé. Nếu được điều trị khỏi, trầm cảm sau sinh chỉ tái phát khi sinh đẻ lần sau. Nghĩa là nếu bệnh nhân không sinh con nữa thì không tái phát, không cần điều trị củng cố giữa các lần sinh; nếu một bệnh nhân đã bị trầm cảm sau sinh thì lần sinh sau, họ sẽ lại bị trầm cảm sau sinh. Điều này có ý nghĩa trong điều trị dự phòng, chặn cơn trầm cảm sau sinh.
Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh không hoàn toàn giống với nguyên nhân của trầm cảm thông thường, nghĩa là không phải do thiếu chất serotonin ở não, mà do biến động nội tiết ở bệnh nhân sau khi đẻ.
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh cũng giống như của trầm cảm thông thường, bao gồm 9 triệu chứng sau: khí sắc giảm; mất hứng thú hoặc sở thích cho hầu hết các hoạt động; giảm sút năng lượng; mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân; mất ngủ, nhưng cũng có thể bệnh nhân ngủ quá nhiều; rối loạn hoạt động tâm thần vận động; cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi; khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định; ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát.
Và thuốc chữa…
Bệnh nhân trầm cảm sau sinh nếu có ý định và hành vi tự sát hoặc ý định và hành vi giết em bé thì dứt khoát phải điều trị nội trú tại khoa Tâm thần để ngăn chặn các tình huống xấu xảy ra. Với trường hợp này, sốc điện là lựa chọn số một vì nó nhanh chóng cắt được trầm cảm (chỉ sau vài ngày). Bệnh nhân hết ý định và hành vi tự sát, nhanh chóng phục hồi sức khỏe để chăm sóc bản thân và em bé. Hơn nữa, do không dùng thuốc nên mẹ có thể cho con bú bình thường. Các bệnh nhân có 7 triệu chứng trở lên cũng phải điều trị nội trú vì nguy cơ tự sát rất cao.
Các bệnh nhân có dưới 6 triệu chứng, không có ý định tự sát, không có ý nghĩ về cái chết thì có thể điều trị tại gia đình. Nên kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm mới với benzodiazepin để sớm có hiệu quả và ít tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến việc bú sữa của em bé. Một số thuốc chống trầm cảm mới đã được Hội Tâm thần học Mỹ chứng minh là an toàn cho cả mẹ và bé (bé vẫn bú sữa mẹ), có thể sử dụng một trong số các thuốc sau:
Sertraline: thuốc này dung nạp tốt, ít tác dụng phụ, không độc với gan, thận, tim, ít bài tiết qua sữa và chưa tìm thấy bằng chứng nào về tác dụng có hại của nó đối với em bé khi bú sữa mẹ. Tác dụng phụ hay gặp nhất là gây đầy bụng, khô miệng, chóng mặt nhẹ ở tuần đầu dùng thuốc. Người ta khuyên với bệnh nhân điều trị ngoại trú, tuần đầu nên dùng nửa liều, uống vào buổi tối, sau bữa ăn. Điều này sẽ giúp bệnh nhân dễ dung nạp với thuốc hơn. Từ tuần thứ hai sẽ tăng lên cả liều.
Paroxetine: thuốc này có tác dụng và tác dụng phụ giống với sertraline, tuy nhiên, thuốc paroxetine giảm lo âu nhanh hơn và ít gây khô miệng, đắng miệng hơn sertraline. Tuần đầu nên cho bệnh nhân dùng một nửa liều, từ tuần thứ hai sẽ dùng cả liều.
Fluoxetine: đây là thuốc chống trầm cảm mới đã được thử nghiệm rộng rãi nhất trên phụ nữ có thai và cho con bú bị trầm cảm. Đến nay, thuốc fluoxetine vẫn được coi là lựa chọn an toàn và đáng tin cậy nhất đối với bệnh nhân trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, thuốc hay gây đầy bụng trong tuần đầu và khó vào giấc ngủ nếu uống buổi tối. Vì vậy, người ta khuyên nên cho bệnh nhân uống thuốc sau bữa ăn sáng. Tuần đầu dùng một nửa liều, từ tuần thứ hai trở đi dùng cả liều.
Venlafaxine: thuốc này chống trầm cảm tốt hơn hẳn các thuốc nêu trên. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như gây chóng mặt, buồn nôn, nôn… trong 1-2 tuần đầu điều trị, khiến tỷ lệ bệnh nhân bỏ thuốc cao hơn các thuốc khác. Để hạn chế tác dụng phụ này, người ta phải dùng kết hợp với benzodiazepine liều trung bình.
Mirtazapine: đây là thuốc chống trầm cảm đa vòng, gây ngủ tốt, kích thích ăn nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc có vẻ không cao bằng các thuốc nêu trên. Thuốc ít tác dụng phụ, dễ dung nạp, không gây chóng mặt, buồn nôn.
Các thuốc chống trầm cảm nêu trên hầu như không tương tác với các thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc hạ huyết áp, thuốc chữa đái tháo đường… nên có thể dùng đồng thời với các thuốc nêu trên.
Các thuốc bình thần nên chọn bromazepam hoặc clonazepame. Cả hai loại thuốc này đều có thể gây phụ thuộc nếu dùng liều cao và kéo dài trên 3 tháng. Vì thế, thuốc thường được chỉ định với liều rất thấp và phải dùng kèm với thuốc chống trầm cảm chứ không được dùng đơn độc. Cả hai thuốc này đều làm giảm lo âu của bệnh nhân rất nhanh dù với liều thấp, giúp bệnh nhân giảm căng thẳng, dễ vào giấc ngủ hơn.
Lưu ý: thuốc benzodiazepine không dùng quá 1 tháng. Thuốc chống trầm cảm thường dùng khoảng 6 tháng.
PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần – BV 103)