Theo y học cổ truyền, chóng mặt thuộc phạm vi chứng huyễn vựng. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Hải Thượng Lãn Ông cho rằng “huyễn vựng xét chỉ bởi hỏa, vì âm huyết hậu thiên hư yếu thì hỏa động lên, chân thủy tiên thiên hư yếu thì hỏa bốc lên, bệnh nhẹ thì bổ huyết thêm vị mát, bệnh nặng thì bổ thủy nhưng đều thêm vị liễm giáng hỏa”.
Phòng trị chóng mặt chủ yếu bổ âm huyết giáng hỏa, trừ đàm thấp, thông kinh lạc, tăng cường máu nuôi dưỡng lên não. Sau đây là một số bài thuốc cổ phương có tác dụng bổ âm huyết giáng hỏa, trừ đàm thấp, thông kinh lạc, tăng cường máu nuôi dưỡng lên não, phòng trị chóng mặt rất hiệu quả.
Chóng mặt thuộc chứng huyễn vựng của y học cổ truyền. Chứng bệnh này do nhiều nguyên nhân gây ra.
Chóng mặt đau đầu vùng đỉnh, hay tức giận, miệng đắng khát nước, lưỡi đỏ, mạch huyền, do can hỏa vượng.
Phép trị: thanh can, giáng hỏa.
Dùng bài Thiên ma câu đằng ẩm: thiên ma 14g, câu đằng 12g, chi tử 12g, hoàng cầm 12g, ngưu tất 12g, ích mẫu 12g, tang ký sinh 14g, dạ giao đằng 14g, bạch linh 14g. Sắc uống. Tác dụng: bình can tức phong, tư âm thanh nhiệt. Trị đau đầu chóng mặt, ù tai. Bài này dùng khoảng 3 thang, sau đó dùng bài Thuận can ích khí thang (Nữ khoa) gia giảm: thục địa 20g, đương quy 14g, bạch thược 16g nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, mạch môn 12g, sa nhân 6g, trần bì 10g, tô tử 8g, cát căn 14g, sài hồ 12g. Sắc uống. Tác dụng: ích can, bổ âm, giáng hỏa, kiện tỳ hóa đàm. Trị chứng âm huyết hư hỏa vượng gây chóng mặt.
Chóng mặt khi ngồi xuống đứng dậy, nằm nghỉ thấy đỡ, ăn ngủ kém, do khí huyết đều hư.
Phép trị: bổ khí dưỡng huyết kiện tỳ.
Dùng bài Quy tỳ thang (Tế sinh phương): nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục thần 14g, đương quy 16g, hoàng kỳ 12g, táo nhân 10g, viễn chí 12g, long nhãn 12g, mộc hương 6g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả. Tác dụng: trị chóng mặt do tâm tỳ hư, khí huyết đều hư, kém ăn, mất ngủ…
Chóng mặt, ù tai, kém trí nhớ, lưng gối yếu do thận tinh bất túc.
Phép trị: thiên về âm hư bổ âm, thiên về dương hư bổ dương.
Nếu người gầy, nóng trong, miệng khô do âm hư. Dùng bài Tả quy hoàn (Cảnh Nhạc Toàn Thư): thục địa 320g, sơn thù 160g, câu kỷ 160g, sơn dược 160g, lộc giác 160g, ngưu tất 120g, quy bản (cao) 160g, thỏ ty tử 160g. Các vị làm hoàn 15g, ngày uống 2 lần sáng chiều, mỗi lần 1 hoàn. Uống với nước muối loãng. Có thể dùng thuốc thang sắc. Tác dụng: bổ can thận, ích tinh huyết. Trị chóng mặt ở người lớn tuổi do can thận âm hư, tinh huyết hao tổn.
Cây và vị thuốc thiên ma.
Chóng mặt ù tai đau lưng chân không ấm do thận dương hư: Dùng bài Hữu quy hoàn (Cảnh Nhạc Toàn Thư): thục địa 30g, hoài sơn 20g, đỗ trọng 14g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, sơn thù 14g, phục linh 12g, trạch tả 10g, nhục quế 4-6g, phụ tử 4g. Các vị làm hoàn, ngày uống 4 – 8g. Tác dụng: ôn thận tráng dương, bổ tinh huyết. Trị các chứng thận tinh bất túc, mệnh môn hỏa suy chóng mặt ù tai lưng gối mỏi.
Chóng mặt đầu âm u, ngực bụng buồn đầy, người nặng nề do đàm trệ. Phép trị: kiện tỳ tiêu đàm… Dùng bài Bạch truật bán hạ thiên ma thang (Kỳ Hiệu Lương Phương): bạch truật 12g, thiên ma 12g, bán hạ 8g, can khương 6g, hoàng bá 10g, hoàng kỳ 14g, nhân sâm 12g, phục linh 14g, thương truật 10g, trạch tả 10g, trần bì 12g, mạch nha 12g, thần khúc 12g. Sắc uống. Tác dụng: lợi thấp hóa đàm. Trị các chứng chóng mặt do đàm ủng trệ.
Trong thực tế, bệnh chứng chóng mặt phần nhiều do phong, hỏa, đàm, và hư chứng. Có khi xuất hiện đơn độc, có khi xuất hiện song trùng. Điều trị trước phải thanh hỏa hóa đàm, khi bệnh lui, nên chữa căn nguyên bổ ích can thận âm giáng hư hỏa, kiện tỳ tiêu đàm mới là trị tận gốc.
BS. Nguyễn Phan Trúc Nguyên