Iod và các thuốc phòng chống suy giáp

Hoóc-môn tuyến giáp và  bệnh bướu cổ địa phương

Tuyến giáp tiết ra 2 hoóc-môn là thyroxin (T3) và triiodothyroxin (T4), lượng hoóc-môn này tiết vào máu được điều hòa bởi hoóc-môn TSH của thùy trước tuyến yên.

Hoóc-môn tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc độ chuyển hóa của các mô cơ thể giúp điều hòa phát triển và biệt hóa tế bào.  Thiếu hoóc-môn tuyến giáp, trẻ em sẽ chậm lớn, chậm trưởng thành hệ xương và nhiều bộ phận khác, chậm phát triển bộ não trí tuệ. Một vai trò quan trọng khác nữa của hoóc-môn tuyến giáp là làm tăng tiêu thụ oxy ở các mô và làm tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản chuyển hóa gluxid, lipid, protein. Theo đó, hoóc-môn tuyến giáp tác động đến rất nhiều cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. Khi tuyến giáp không tiết ra đủ hoóc-môn thì bị bệnh suy giáp, tuyến giáp sẽ ít hoóc-môn nhưng nhiều chất keo làm thành bướu ở cổ gọi nôm na là bệnh bướu cổ.

Iod  và các thuốc phòng chống suy giáp

Trong cấu trúc hóa học của hoóc-môn tuyến giáp có iod.

Thiếu hoóc-môn tuyến giáp là do thiếu iod. Iod có trong nước biến thường bốc hơi lên trời và sau đó là theo mưa rơi xuống đất đi vào cây cỏ  rồi vào các sinh vật ăn cây cỏ rồi từ đó cung cấp cho con người. Nhưng nếu mưa làm xói mòn đất đai quá nhiều  như ở miền núi thì nguồn cung cấp iod tự nhiên này cho con người cũng sẽ thiếu. Một nguồn iod giàu có khác là muối ăn chế biến từ nước biển. Trong muối ăn thường có đủ lượng iod để cung cấp đủ cho con người. Tuy nhiên, nếu bảo quản muối ăn không tốt (để chảy nước kaliiodua mất đi, để gác bếp quá nóng làm iod thăng hoa) thì lượng iod trong muối ăn cũng bị giảm sút. Người miền núi, nhất là vùng núi cao, thường thiếu các nguồn cung cấp iod cơ bản này nên thường bị bướu cổ với tỉ lệ cao, gọi là bệnh bướu cổ địa phương. Người vùng đồng bằng ven biển thường đủ các nguồn cung cấp iod cơ bản này nên không mấy khi bị bệnh bướu cổ.

Thiếu hoóc-môn tuyến giáp còn do quá trình iod chuyển hóa thành hoóc-môn bị đình trệ. Một ví dụ: sắn có chứa  glycosid cyanogenic, linamarin. Các  chất này khi thủy phân sẽ giải phóng ra cyanua, sau dó cyanua bị khử thành thiocyanat, rồi  thiocyanat ức  chế  bơm iod tuyến giáp và gia tăng sự thải iod ở thận làm cho cơ thể thiếu iod. Người miền núi ăn nhiều sắn cũng là một nguyên nhân gây thiếu iod.

Ngoài ra trẻ em dưới 5 tuổi và thiếu nữ ở tuổi dậy thì thường có nhu cầu iod cao, nếu chế độ ăn không đảm bào cung cấp đủ iod thì có thể bị  bướu cổ  nhẹ. Khi cải thiện chế độ ăn và đi qua độ tuổi này thì sẽ hết hiện tượng bướu cổ này.

Muối iod

Cách phòng bướu cổ rẻ tiền, có hiệu quả, dễ phổ cập nhất là cung cấp đủ iod bằng cách cho dùng “muối iod”.Nhu cầu iod là 100 – 150mcg/ người/ ngày. Muối iod là muối ăn được trộn thêm Kaliiodua (KI) hay kaliiodat (KIO3). Kaliiodat ít bị hòa tan khi   ẩm, ít bị phân hủy khi nóng rất thuận lợi cho việc bảo quản vận chuyển trong điều kiện nhiệt đới. Có thể trộn các hợp chất iod trên vào muối bằng phương pháp trộn ướt (trộn nhỏ giọt phun mù). Để cung cấp đủ nhu cầu cho người và có tính cả phần hao hụt trong vận chuyển bảo quản thì nồng độ iod quy định trong muối iod phải 30 – 50 phần triệu (tức là trong 10g muối iod có khoảng 350 – 500mcg iod). Nước ta hiện có 51 cơ sở sản xuất muối iod theo cách trộn Kaliiodat vào muối bằng cách trộn ướt với  tỉ lệ iod quy định là 42 phần triệu.

Trong nhiều năm qua ta đã phủ muối iod cho dân hơn 95% ở miền núi và 60% ở vùng đồng bằng  và cứ mỗi năm tại các vùng phủ muối iod, tỉ lệ bướu cổ giảm  2 – 4% cho nên bệnh này đã được cải thiện rất rõ rệt. Hiện nay ta vẫn phủ muối iod để duy trì hiệu quả này.

Một số chú ý khi sản xuất bảo quản sử dụng muối iod: phải đóng gói trong bao polyethylen hàn kín, với khối lượng nhỏ (từ 500g đến cao nhất là 2.000g)  bảo quản vận chuyển trong môi trường khô ráo. Khi đưa vào dùng phải cho vào lọ khô, đậy kín, không để nơi quá nóng. Vì muối iod tại nước ta có thành phần là kaliiodat nên có thể nêm vào thức ăn khi nguội hay khi nóng đều được. Đây là những việc rất dễ làm nhưng do không được hướng dẫn nên vẫn còn làm sai (như mở gói muối iod ra dùng nhưng không hàn kín  lại, để muối iod ở gần bếp nóng không đậy kín) làm mất iod trong muối iod.

Lipiodol

Lipiodol là iod đã được dầu hóa bằng cách gắn iod với ester ethyl  trong dầu thuốc phiện để iod có tác dụng kéo dài. Ở những vùng núi quá cao không có cách nào vận chuyển muối iod đến cung cấp cho dân, có tình trạng bướu cổ nặng và đần độn thì tiêm lipidol cho họ thay cho việc cung cấp iod.  Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp dùng không phổ cập như dùng muối iod vì giá cao, bất tiện, dễ có tai biến. Trẻ em tiêm 0,5 ml, người lớn tiêm 1ml sẽ đảm bảo có đủ  lượng iod trong 1 năm. Trước đây, một số nhân viên y tế lợi dụng sự lo lắng bị bướu cổ của thiếu nữ dậy thì đã tiêm lipiodol cho họ nhiều lần trong năm, làm cho họ bị tai biến (xuất hiện các triệu chứng giống như cường giáp…). Đây là việc làm sai, nay đã bị cấm, nhưng cần nhắc lại để tránh tái phạm.

Iod  và các thuốc phòng chống suy giápCách phòng bướu cổ rẻ tiền, có hiệu quả, dễ phổ cập nhất là dùng “muối iod”.

Thyroxin

Những chỉ định chính:

Trên thị trường là loại tổng hợp dạng đồng phân tả tuyền levothyroxin.

Điều trị thay thế hay bổ sung cho mọi trường hợp suy giáp dù bất cứ nguyên nhân nào (như  teo tuyến giáp, viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto  hay do tự  phát sau khi điều trị cường  giáp, suy tuyến giáp do thiếu iod…) cho tất cả mọi lứa tuổi, kể cả phụ nữ có thai  cho con bú, trừ trường hợp suy giáp nhất thời trong thời kỳ hồi phục viêm giáp bán cấp.

Dùng giảm kích thước tuyến giáp trong bướu cổ đơn thuần hay trong bệnh viêm giáp mạn tính. (Hashimoto). Tác dụng này có được là do levothyroxin ức chế  tiết hoóc-môn  thyrotropin (TSH).

Phối hợp với các thuốc kháng giáp trong nhiễm độc giáp. Sự phối hợp này nhằm tránh bướu giáp và suy giáp trong giai đoạn cuối khi dùng thuốc kháng giáp kéo dài.

Theo đó, có thể dùng chữa suy giáp cho những người bị suy giáp do thiếu iod (trong bướu cổ địa phương). Tuy nhiên, trong thực tế những người bị bệnh bướu cổ địa phương nhẹ  thường không dùng levothyroxin mà chỉ dùng iod. Qua quá trình dùng đủ iod kéo dài, cơ thể sẽ tự sản xuất ra đủ thyroxin và người bệnh sẽ khỏi bướu.

Mấy chú ý khi dùng:

Levothyroxin có độ hấp thu thay đổi rất rộng. Uống lúc no sẽ có độ hấp thu  chỉ 48% nhưng uống lúc đói có độ hấp thu lên tới 79%.

Rất thận trọng khi dùng cho người bị bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Khi xuất hiện các triệu chứng đau vùng ngực hay các triệu chứng khác của các bệnh này thì cần giảm liều dùng levothyroxin.

Levothyroxin còn làm tăng nặng các triệu chứng của bệnh đái tháo đường,  đái tháo nhạt hoặc suy thượng thận. Phải tuân theo sự điều chỉnh liều levothyroxin của thầy thuốc khi dùng nó  với người mắc  các bệnh này.

Trẻ em dùng quá liều có thể bị sớm liền khớp sọ.

Khi dùng với thuốc chống đông máu uống thì phải theo chỉ dẫn của thầy thuốc kiểm tra thời gian prpthrom bin để điều chỉnh liều nếu cần thiết.

Levothyroxin không đi qua hàng rào rau thai gây hại thai nên những người có thai vẫn dùng được. Tuy nhiên, khi có thai nhu cầu levothyroxin có thể tăng cao. Theo chỉ dẫn của thầy thuốc cần kiểm tra nồng độ hoóc-môn thyrotropon (TSH) để điều chỉnh liều. Levothyroxin tiết một ít vào sữa không gây hại cho trẻ nhưng khi dùng cho người cho con bú cần thận trọng (không dùng quá liều  và hoặc kéo dài).

Có hai trường hợp chống chỉ định với levothyroxin: nhiễm độc đo tuyến giáp chưa được điều trị và nhồi máu cơ tim cấp. Suy thượng thận chưa được điều chỉnh vì làm tăng nhu cầu hoóc-môn thượng thận ở các mô dẫn đến suy thượng thận cấp.

Levothyroxin tương tác bất lợi với nhiều loại thuốc trong đó cần chú ý đặc biệt là tương tác với corticosteroid, thuốc chống đông máu uống, thuốc đái tháo đường, insulin. Cơ chế tương tác khá phức tạp dẫn đến việc cần phải thay đổi liều lượng của levothyroxin khi dùng với các thuốc này. Trong trường hợp người bệnh cần dùng levothyroxin cùng với thuốc này thì cần tuân theo các chỉ dẫn xét nghiệm và sự điều chỉnh liều của thầy thuốc.

DS. BÙI VĂN UY

Rate this post