Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tốt nhất, nên phối hợp chim sẻ với một số vị thuốc và chế biến thành những bài thuốc trị bệnh hiệu quả.
Chim sẻ còn gọi sẻ nhà, tước điểu, ma tước. Tên khoa học: Passer montanus macaccensis Dubois. (Passer domesticus L.). Thịt chim sẻ chứa protid, lipid. Tiết chim chứa nhiều chất đạm, chất sắt, huyết sắc tố. Trứng chim chứa protid, lipid, các vitamin A, D, E, các muối khoáng (Ca, P, Mn, Fe) và lecithin.
Thịt chim sẻ trong y học cổ truyền gọi là tước nhục; trứng chim sẻ gọi là tước noãn; tiết chim gọi là tước huyết và phân chim là bạc đinh hương hay ma tước phấn.
Theo Đông y, thịt chim sẻ có vị ngọt, tính ấm; vào thận. Có tác dụng tráng dương ích tinh ôn kiện cân cốt, sáp niệu, chỉ khái suyễn. Dùng thích hợp cho người suy nhược dương hư, di tinh di niệu, tiểu tiện tần xác, huyết trắng đái hạ, đau lưng mỏi gối, đau đầu hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng), hen suyễn. Tiết chim có vị ngọt, tanh, tính âm; có tác dụng bổ âm, cường dương. Trứng chim vị ngọt, chua, mặn, tính bình; có tác dụng bổ thận dương, ích tinh. Phân chim vị đắng, tính ôn; có tác dụng tiêu tích, làm sáng mắt, chống viêm. Hằng ngày dùng từ 1 – 3, 4 con bằng cách nấu hầm, quay rán, nướng, xào.
Cháo chim sẻ thích hợp cho bệnh nhân dương hư, suy nhược, hen suyễn.
Một số món ăn thuốc chữa bệnh từ thịt chim sẻ
Sẻ hấp đường phèn: thịt chim sẻ 1 – 2 con, đường phèn 10g. Thịt chim sẻ làm sạch, cho đường phèn vào, hầm cách thủy cho chín nhừ. Dùng tốt cho người ho gà, ho dai dẳng do viêm khí phế quản mãn tính có tính chất dị ứng kích thích, hen suyễn.
Cháo sẻ gạo lứt: chim sẻ 5 con, gạo lứt 100g. Chim sẻ làm sạch, rán cho chín, cho rượu nấu nhừ. Cho gạo và nước nấu thành cháo. Khi cháo được cho hành và gia vị, ăn khi đói. Dùng thích hợp cho bệnh nhân dương hư, suy nhược, hen suyễn.
Sẻ tẩm nước cốt đỗ trọng, hà thủ ô hấp đường phèn: sẻ 2 con, đỗ trọng 25g, hà thủ ô 25g. Đỗ trọng, hà thủ ô sắc lấy nước bỏ bã. Cho chim sẻ đã làm sạch, đường phèn, nước thuốc hầm chín nhừ. Cho ăn khi còn nóng. Chữa ho gà, ho dai dẳng do viêm khí phế quản mạn tính có tính chất dị ứng kích thích, hen suyễn; rất tốt cho người thận hư, đau lưng; mỏi gối, di tinh, di niệu, liệt dương, suy nhược cơ thể.
Sẻ ướp tiêu hồi quế sa nhân: sẻ 3 con, tiểu hồi 9g, hồ tiêu bột 3g, sa nhân 6g, nhục quế 6g. Các dược liệu xay thành bột thô, chia đều cho vào bụng chim sẻ đã làm sạch. Dùng giấy thấm ướt hay giấy bạc gói kín đem nướng chín. Ăn khi đói với chút rượu. Dùng cho các trường hợp thận hư, hư hàn, thoát vị (sán khí).
Sẻ tiềm đại tiểu hồi gừng tỏi: sẻ 15 con, đại hồi 10g, tiểu hồi 10g, gừng, tỏi lượng tùy ý đập dập để sẵn. Sẻ làm sạch, dùng bơ rán chim sẻ với gừng tỏi đến chín. Cho nước sôi, đại hồi, tiểu hồi và gia vị, đun nhỏ lửa trong 1 giờ. Dùng tốt cho nam giới liệt dương, di tinh tảo tiết, tính dục giảm.
Cháo chim sẻ: chim sẻ 5 con, kê 300g (tiểu mễ). Chim sẻ làm sạch nướng chín, thái nhỏ, nấu với kê. Khi cháo chín, cho thêm 3 củ hành sống (đã thái mỏng), gia vị muối tiêu đảo đều. Ăn khi đói. Chữa suy nhược cơ thể, đau lưng, mỏi gối, di tinh liệt dương…
Sẻ tiềm tứ tử: chim sẻ 5 con, câu kỷ tử 20g, thỏ ty tử 10g, phúc bồn tử 10g, ngũ vị tử 6g. Chim sẻ làm sạch, cắt nhỏ, tẩm rượu. Các vị thuốc sắc lấy nước bỏ bã. Lấy nước sắc nấu với thịt chim đến nhừ. Thêm gia vị cho vừa, ăn trong ngày. Chữa thận hư, huyết kiệt, liệt dương, phụ nữ lãnh cảm.
Chữa phụ nữ huyết khô, chữa vô sinh: trứng chim sẻ 40g, thỏ ty tử 12g, phụ tử chế 4g. Trứng luộc chín, bóc vỏ, sấy khô, tán bột; thỏ ty tử và phụ tử chế sấy khô tán bột. Trộn lẫn hai bột hay sau khi trộn luyện với mật ong đã luyện làm viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, chiêu với ít rượu. Uống lúc đói.
Chữa vàng da: phân chim sẻ 3g, đậu đỏ 3g, khổ đinh hương 3g. Sấy khô, tán thành bột mịn. Hít qua mũi, ngày dùng 2 – 3 lần.
Chữa cổ họng sưng đau: phân chim sẻ 7 hạt, đường kính vừa đủ. Phân chim tán bột, trộn với đường, làm thành 2 viên. Ngâm rồi nuốt nước dần.
Chữa bụng đầy trướng, kết hàn, ngực sườn đau tức: phân chim sẻ 21 hạt, tán bột, hòa với ít rượu để uống.
Tiết chim sẻ dùng cho người yếu mệt, kém sinh lý, hay chóng mặt, nhức đầu do thiếu máu và suy nhược. Ngâm với rượu (10%) có tác dụng làm đen tóc, chân tay cứng cáp, mắt sáng. Người cao huyết áp không được dùng.
Kiêng kỵ: Không dùng thịt chim cho các trường hợp âm hư hỏa vượng.
TS. Nguyễn Đức Quang