(Tiếp theo số 63)
Nếu bạn phát hiện ra con mình ăn uống nhiều bất thường cần đưa cháu đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để có hướng xử trí kịp thời bởi tình trạng này kéo dài sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe của cháu sau này.
Hậu quả của chứng ăn vô độ tâm thần
Khi mắc chứng rối loạn ăn uống, người bệnh đã đặt cơ thể mình và có thể là cả cuộc sống của mình trong tình trạng nguy hiểm. Một biến chứng nguy hiểm nhất của tình trạng ăn vô độ tâm thần là rối loạn điện giải do việc loại bỏ thức ăn khỏi cơ thể bằng cách nôn, dùng thuốc tẩy, lợi tiểu, gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể, thường là làm giảm kali máu. Việc hạ kali máu gây ra những biểu hiện như mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, suy thận và chết.
Những biến chứng phổ biến của chứng ăn vô độ: tăng cân; đau bụng, trướng bụng; sưng tay, chân; đau họng mạn tính, khản tiếng; vỡ mạch máu nhỏ ở mắt; sưng má và vùng tuyến nước bọt; yếu và run người; sâu răng và đau miệng; trào ngược dạ dày thực quản hoặc loét dạ dày; rối loạn kinh nguyệt, mất kinh; táo bón do lạm dụng thuốc nhuận tràng; rụng tóc, kém phát triển chiều cao, sạm da, da khô…
Cần tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia khi rơi vào tình trạng rối loạn ăn uống vô độ.
Xử lý chứng ăn vô độ tâm thần
Nếu bạn rơi vào tình trạng rối loạn ăn uống, bạn sẽ thấy nó sợ hãi như thế nào khi bạn mất kiểm soát tình trạng ăn uống của mình. Nhưng bạn nên nhớ một điều bạn có thể thay đổi được tình trạng này. Và việc bạn nghĩ là cần phải có sự giúp đỡ của một chuyên gia về lĩnh vực này đã là một bước tiến lớn trong quá trình điều trị của bạn.
Các bước sau đây có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng này:
Thừa nhận rằng mình có vấn đề về rối loạn ăn uống: có thể đến tận lúc này, bạn vẫn cho rằng cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn và bạn cảm thấy tốt hơn nếu bạn có thể giảm đi một vài cân và kiểm soát những gì bạn ăn. Một bước tiến quan trọng để thoát khỏi tình trạng rối loạn ăn uống là bạn thừa nhận rằng mình có vấn đề về ăn uống và không kiểm soát được nó.
Hãy nói chuyện với một ai đó: điều này có thể khó khăn khi nói về những gì bạn đang trải qua, đặc biệt là khi bạn giấu tình trạng rối loạn ăn uống này trong một thời gian dài. Bạn có thể xấu hổ, dao động hoặc sợ không biết mọi người nghĩ gì về mình. Nhưng bạn nên hiểu một điều là bạn không cô đơn, hãy tìm một ai đó lắng nghe mình, người đó sẽ hỗ trợ bạn khi bạn cố gắng.
Bạn nên tránh xa khỏi những người, những nơi và những hoạt động có thể làm bùng phát những cơn ăn vô độ hoặc những hành động loại bỏ thức ăn khỏi cơ thể. Tránh xem những tạp chí thời trang hoặc những tạp chí người mẫu, sử dụng ít thời gian với những bạn bè ăn kiêng hoặc thường xuyên nói về cân nặng.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà trị liệu về rối loạn ăn uống: Họ có thể giúp bạn hồi phục lại sức khỏe, học cách làm sao để ăn uống trở lại bình thường và hình thành những suy nghĩ tích cực hơn về mối quan hệ giữa thức ăn và sức khỏe của bạn.
Liệu pháp tâm lý trị liệu là quan trọng trong trường hợp rối loạn ăn uống và phương pháp dùng ở đây là liệu pháp nhận thức hành vi để giúp người bệnh chấm dứt những chu kỳ ăn vào – loại bỏ thức ăn khỏi cơ thể, khôi phục lại thói quen ăn uống bình thường. Tiếp theo là cần xác định và thay đổi những ý nghĩ không đúng về cân nặng, chế độ ăn và hình dáng cơ thể, thay đổi quan niệm về ăn uống, thay đổi quan niệm rằng giá trị của bản thân do cân nặng quyết định.
Giải thích cho người bệnh biết rõ việc loại bỏ thức ăn khỏi cơ thể bằng cách như nôn, dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu không có tác dụng làm giảm cân vì nôn ngay sau khi ăn cũng chỉ làm giảm đi nhiều nhất là 50% calories đã tiêu thụ. Việc dùng thuốc nhuận tràng và lợi tiểu hiệu quả còn kém hơn. Nhuận tràng chỉ có thể loại bỏ được 10% lượng calories đã tiêu thụ còn lợi tiểu thì hầu như không có tác dụng và việc giảm cân chỉ là sự loại bỏ nước khỏi cơ thể, có thể gây nhiều tác hại đến sức khỏe.
Cần giải quyết những vấn đề về sức khỏe tâm thần kèm theo như căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm…
BS. Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia)