Tổn hại sức khỏe vì ách tắc giao thông và sức khỏe con người

Mối liên hệ

“Mối nguy hại đầu tiên chính là việc chúng ta phải tiếp xúc và chịu đựng đủ mọi loại tác nhân gây ô nhiễm trên đường phố trong suốt thời gian kẹt xe” – tiến sĩ y khoa David Mowat đến từ vùng Peel (Canada) phát biểu – “Một vài tác nhân trong số đó nguy hại đối với hai lá phổi của chúng ta, vài hóa chất ô nhiễm khác lại tác động tiêu cực lên hệ thống tim mạch của cơ thể người. Tệ hơn nữa, một số chất gây ô nhiễm tồn tại trong không khí ở các khu đô thị đông đúc đã được chứng minh là có tính chất gây ung thư”. Cũng theo tiến sĩ Mowat, tình trạng người dân phụ thuộc quá nhiều vào việc đi lại bằng xe ô-tô ở nhiều nước là một nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ người mắc bệnh béo phì, đái tháo đường và làm giảm chất lượng không khí ở những khu vực đó.

Sau đây là một vài tác động tiêu cực của tình trạng ách tắc giao thông đối với sức khỏe con người đã được giới khoa học nghiên cứu và khẳng định:

Các vấn đề về tim mạch và phổi:

Những công trình nghiên cứu gần đây của các chuyên gia đến từ Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ tìm thấy nhiều mối liên hệ giữa ách tắc giao thông và các cơn đau tim của con người. “Nhiều bệnh nhân đau tim trình báo rằng họ vừa tham gia giao thông trên đường phố đông đúc trước khi các triệu chứng của cơn đau tim xuất hiện” – một kết luận từ Hội thảo Tim Mạch thường niên lần thứ 49 được tổ chức bởi Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ với chủ đề “Bệnh tim – dịch tễ học và cách phòng bệnh”. Theo các diễn giả trong hội thảo này, một công trình nghiên cứu quy mô ở Đức cho thấy việc tham gia giao thông trên đường sá đông đúc hoặc tắc nghẽn chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu của các cơn đau tim. “Nguy cơ đau tim cao nhất thuộc về những người sử dụng xe ô-tô để tham gia giao thông. Tuy vậy, kể cả khi chúng ta di chuyển bằng xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng để đi lại, chúng ta cũng vẫn bị tiếp xúc với khói bụi, không khí ô nhiễm và các tác nhân gây đau tim khác trên đường phố” – trích báo cáo của hội thảo. Theo tiến sĩ Mowat: “Thời gian bạn tham gia giao thông càng nhiều, nguy cơ đau tim càng cao, với tỉ lệ tăng không dưới 3, 2 lần. Chưa kể, tắc nghẽn giao thông kéo dài và thường xuyên có thể gây tổn thương hai lá phổi của chúng ta: suốt thời gian xe cộ của chúng ta bị mắc kẹt hoặc di chuyển một cách chậm chạp vì tắc nghẽn, cơ thể chúng ta gần như “lãnh đủ” tất cả khói bụi và các loại khí độc hại phát ra từ những phương tiện giao thông có mặt trên đường phố lúc đó”.

Đối với não:

Các hợp chất hữu cơ độc hại tồn tại trong khói xe không chỉ là tác nhân gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp và ung thư, mà chúng còn gây tổn thương các tế bào não và khớp thần kinh có chức năng đảm bảo quá trình học hỏi và ghi nhớ của não bộ. Nhiều công trình nghiên cứu về y tế công cộng gần đây khẳng định rằng: chừng nào chúng ta còn tham gia giao thông trên đường phố, chừng đó chúng ta còn phải tiếp xúc với vô vàn tác nhân gây hại cho sức khỏe từ khói xe, và những tác nhân này gây ảnh hưởng nhiều mặt lên bộ não của chúng ta, bao gồm trí thông minh, khả năng quản lý cảm xúc và chịu đựng áp lực cao.

“Ngày càng có nhiều nhà khoa học ngày nay quan tâm đến việc giải mã cơ chế làm tổn thương bộ não con người của khói xe”, – phát biểu của nhà nghiên cứu dịch tễ học Jin-Chiuan Chen đến từ Đại học Southern California (Mỹ). Chen cùng các cộng sự đang khảo sát các tác động của tình trạng ô nhiễm khói xe do ách tắc giao thông đối với sức khỏe của 7.500 phụ nữ ở 22 bang của nước Mỹ.

“Phần lớn các cuộc nghiên cứu đều cho ra kết quả đáng lo ngại”, nhận định của tiến sĩ hóa học thần kinh Annette Kirschner đến từ Viện Nghiên cứu Khoa Học Sức Khỏe Môi Trường Quốc Gia ở Bắc Carolina. Theo Kirschner, người dân Mỹ thời nay tham gia giao thông nhiều và thường xuyên hơn ngày xưa. Thống kê tại 10 tuyến đường có lưu lượng giao thông cao nhất nước Mỹ cho thấy trung bình mỗi tài xế mất đến 140 giờ/năm bị mắc kẹt hoặc trễ nải trên đường phố chỉ vì tắc nghẽn giao thông, tương đương với khoảng thời gian làm việc trong cơ quan suốt một tháng.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Hà Lan khám phá ra rằng việc hít thở khói xe trong 30 phút sẽ làm tăng các hoạt động của não bộ có liên quan đến kiểm soát hành vi, tính cách và khả năng ra quyết định – những sự thay đổi gây ra tình trạng căng thẳng thần kinh. Việc hít thở không khí ô nhiễm có chứa khói xe trong 90 ngày thậm chí làm biến đổi cách thức hoạt động của bộ gene ở người cao tuổi và trẻ sơ sinh – một phát hiện của các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard và Đại học Columbia trong năm 2011.

Một số chất tồn tại trong không khí ở các khu đô thị đông đúc có tính chất gây ung thư

Giáo sư Frederica Perera đến từ trường Đại học Columbia bàn luận mối liên hệ giữa các tác nhân ô nhiễm trong khói xe đối với sức khỏe trẻ em ngay từ khi các em còn trong bào thai. Khảo sát cho thấy trẻ em sống trong các khu vực đô thị có tỉ lệ ô nhiễm khói xe cao đạt số điểm trung bình tương đối thấp trong các bài kiểm tra chỉ số thông minh và dễ mắc phải các chứng tâm lý như trầm cảm, lo âu và thiếu tập trung hơn so với trẻ em sống ở những khu vực có không khí trong lành hơn – kết quả nhiều công trình nghiên cứu ở các thành phố New York, Boston (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Krakow (Ba Lan).

Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu ở Boston khám phá ra rằng người cao tuổi sống trong các khu đô thị ô nhiễm nặng nề vì khói xe có nguy cơ tổn thọ trung bình 5 năm và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ghi nhớ và giao tiếp hàng ngày. Khói xe cũng đã được khẳng định là có tính chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và đẩy nhanh tốc độ mắc bệnh Parkinson ở người cao tuổi.

Với sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống:

Theo tiến sĩ Mowat, nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng những người mất quá nhiều thời gian cho việc lưu thông trên đường phố thường có xu hướng ít vận động, ì ạch, không nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội hoặc giao tiếp với những người thân quen. “Việc thường xuyên rơi vào tình cảnh kẹt xe khiến bạn cảm thấy mất khả năng làm chủ bản thân, cảm thấy mình không có nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống” – kết luận của David Wiesenthal, giáo sư tâm lý học đến từ Đại học York (Canada).

Cứ mỗi khi chiếc xe của bạn phải “lê lết” từng chút một giữa dòng người tắc nghẽn, lê mãi vẫn chưa đến nơi dù khoảng cách đến đích đã rất gần, bạn bắt đầu bực bội, tim bạn bắt đầu đập nhanh hơn, làm tăng huyết áp và khiến cho hơi thở của bạn gấp gáp hơn. Việc đối mặt với tắc nghẽn giao thông thường xuyên và liên tục khiến người lái xe trở nên dễ cáu gắt, có xu hướng hành động hung hăng, lỗ mãng và không thể kìm chế bản thân mỗi khi có mâu thuẫn, để rồi khiến cho sự việc thêm trầm trọng”, Wiesenthal lý giải.

Giáo sư Murtaza Haider đến từ khoa Quản lý Bất Động Sản của Đại học Ryerson có một ý kiến khác. Trong một công trình nghiên cứu của Haider về tình trạng căng thẳng thần kinh ở người đi làm trong các khu đô thị, ông khám phá ra rằng yếu tố quan trọng khiến cho người lái xe dễ bị stress không phải là thời gian tham gia giao thông kéo dài bao lâu, mà chính là tần suất và chất lượng của chuyến đi. “Nếu bạn gặp phải tình trạng tắc nghẽn giao thông nhiều hơn ba lần trong tuần, bạn đã có nguy cơ trở thành bệnh nhân của chứng căng thẳng thần kinh kinh niên” – Haider kết luận.

Làm thế nào giảm thiểu tác động tiêu cực?

Hầu hết chúng ta đang phải sống tập trung trong các thành phố và đô thị lớn để mưu sinh và không có nhiều sự lựa chọn về mặt nơi ở hay vị trí cơ quan, nên việc tham gia giao thông và đối mặt với tình trạng ách tắc trên đường phố là điều khó tránh khỏi.

Điều đầu tiên bạn có thể làm chính là hạn chế sử dụng xe cộ để di chuyển những khi có thể. Nếu nơi làm việc của bạn ở gần nhà, hãy đi bộ hoặc sử dụng xe đạp. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng những người thường xuyên sử dụng xe đạp hoặc đi bộ đến cơ quan thay cho phương tiện cơ giới thì có cơ thể khỏe mạnh và nguy cơ stress thấp hơn hẳn những người khác – lời khẳng định của Giáo sư Haider.

Người thường xuyên sử dụng xe đạp hoặc đi bộ đến cơ quan thì có cơ thể khỏe mạnh và nguy cơ stress thấp hơn hẳn những người khác

Trong trường hợp bạn bắt buộc phải sử dụng phương tiện cơ giới để đi làm, hãy chọn phương tiện công cộng thay vì lái xe cá nhân. Việc sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt hoặc xe điện ngầm để đi lại mang đến cho bạn vô vàn cơ hội để vận động cơ thể và đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, do bạn sẽ phải cuốc bộ để đi từ trạm dừng này đến trạm dừng khác.

Nếu bạn vẫn phải sử dụng xe ô-tô hoặc xe máy để đi lại, hãy chịu khó dậy sớm tập thể dục trước khi lái xe đến cơ quan. Dậy sớm là một thói quen tích cực giúp bạn có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đầy đủ cho bản thân trước khi khởi hành. Hãy sử dụng khoảng thời gian này để ăn một bữa sáng đủ chất, vận động cơ thể và thư giãn tinh thần bằng các bài tập thiền định hoặc yoga đơn giản. “Mục tiêu số một để bạn đảm bảo sức khỏe căn bản của bản thân chính là hãy vận động cơ thể nhiều nhất có thể vào mỗi ngày” – lời khuyên của tiến sĩ Stacy Irvine đến từ Hiệp hội Trị liệu cột sống Ontario (Canada). Theo tiến sĩ Irvine, một vài động tác thể dục cơ bản như xoay vai, xoay cổ, và xoay hông có tác dụng giúp kích thích thần kinh và đảm bảo lưu thông máu vào cơ bắp, giúp chúng ta sẵn sàng cho một ngày làm việc mới năng động.

 

ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

Rate this post