Trần Hồng Anh (Hà Nội)
Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại. Nói lắp là điều bình thường ở bé từ 2 – 3 tuổi. Tuy nhiên nếu trẻ nói lắp không được trị liệu thì khi lớn vẫn mắc tật nói lắp và ảnh hưởng nhiều đến học tập.
Nên khắc phục tật nói lắp khi còn nhỏ càng sớm càng tốt. Cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách: Dành một khoảng thời gian riêng tư mỗi ngày bên trẻ trong một không khí thực sự thoải mái, bình tĩnh và thư thả. Nói chậm và từ tốn khi nói chuyện với bé sẽ giúp bé dễ bắt kịp và hiểu những gì bạn nói. Kiên nhẫn lắng nghe con nói, không lên giọng dạy bảo trẻ nói thế nào. Cố gắng hiểu trẻ muốn nói gì. Để cho con hoàn thành câu nói của nó, không làm con bị gián đoạn câu nói. Nhìn thẳng vào mắt khi con đang nói. Đừng giành nói trước câu nói hay suy nghĩ của con. Hãy để cho chính trẻ tự nói lên. Chờ đợi con nói xong khi đó mới trả lời. Không bao giờ trả lời trước khi con chưa nói xong. Điều này giúp cho con bạn bình tĩnh, chậm rãi khi phát biểu. Nên tập cho con thói quen nói năng rõ ràng, lưu loát ngay từ khi còn nhỏ.
Khi học tiểu học, bé dễ mất tự tin vói chứng nói lắp. Vì vậy bạn nên đưa con đi khám để có các tư vấn trị liệu cụ thể hơn.
BS. Hoàng Hà