Cần điều trị sớm cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống (TVĐĐCS) cổ, khi thoái hóa cột sống cổ đã quá nặng, ổ thoát vị đã quá lớn chèn ép tủy sống gây phù dập tủy, tổn thương tủy. Ở mức độ nhẹ có thể bại hai chi trên, nặng hơn nữa có thể bại tứ chi.
TVĐĐCS chiếm khoảng 80% bệnh lý của cột sống, trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đứng thư 2 sau thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Nguyên nhân nào?
Nguyên nhân TVĐĐCS cổ chủ yếu là do quá trình thoái hóa đan xen giữa quá trình thoái hóa sinh học (lão suy) với quá trình thoái hóa bệnh lý (bệnh lý xương khớp, dị dạng cột sống, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng, bệnh béo phì…) và các sang chấn tạo nên (sang thương, vi sang thương ) trong đời sống lao động khác nhau của mỗi người, đặc biệt là những người có hoạt động gây tặng lực chịu tải lên cột sống cổ. Ngoài ra còn có thể do một vài yếu tố khác như: yếu tố di truyền, yếu tố miễn dịch.
TVĐĐCS cổ có thể xem như là hậu quả của thoái hóa xương – sụn gian đốt sống trong bệnh cảnh thoái hóa cột sống. Quá trình thoái hóa đĩa đệm luôn diễn ra trước khi xuất hiện thoát vị đĩa đệm, trừ trường hợp thoát vị đĩa đệm do chấn thương ở lứa tuổi trẻ. Nhân nhầy đĩa đệm bị thoái hóa trước tiên, biểu hiện bằng sự giảm lượng nước trong nhân nhầy và hàm lượng Proteoglycan, collagen. Sự suy giảm này khiến cho nhân nhầy giảm khả năng đàn hồi, giảm khả năng căng phồng dưới tác động của lực chịu tải và tính bền vững của đĩa đệm, làm giảm đi khả năng hấp thụ lực tải trọng.
Quá trình thoái hóa đĩa đệm làm đứt gãy các bó sợi collagen phía trong bao xơ, vốn là một cấu trúc rất yếu, tiếp đến là sự đứt gãy của các bó sợi collagen đi từ lớp trong ra lớp ngoài. Các bó sợi của vòng xơ đứt gãy tạo điều kiện cho nhân nhầy thoát ra chỗ đứt rách và gây nên thoát vị. Nếu nhân nhầy nằm trong chỗ bao xơ đã bị đứt gãy đi ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường, nhưng còn giữ được độ căng phồng ở một mức độ nào đó, lúc này TVĐĐCS cổ thực chất là thoát vị nhân nhầy.
Gần như hầu hết TVĐĐCS cổ cũng như thắt lưng đều là hậu quả của một quá trình thoái hóa cột sống, gây ra nhiều biến đổi về hình thái cấu trúc bệnh lý khác nhau. Sự thay đổi hình thái trúc cụ thể ở cột sống cổ có thể diễn ra như: mất đường cong sinh lý, gãy xẹp thân đốt sống, trượt đốt sống, thoát vị vào thân đốt sống, viêm và thoái hóa xương dưới sụn ở các giai đoạn khác nhau, thoái hóa các hệ thống dây chằng, thoái hóa gai xương mỏm móc gây chít hẹp ống sống lỗ liên hợp và lỗ động mạch đốt sống. Sự thay đổi hình thái cấu trúc bệnh lý này có thể dẫn đến sự kích thích hay chèn ép bao màng cứng, rễ thần kinh, đông mạch cột sống cổ, nặng hơn nữa của thoát vị cột sống cổ là sự chèn ép lên tủy cổ, gây ra phù dập tủy cổ, tổn thương tủy dẫn tới mất khả năng khéo léo của của bàn tay, bại 2 cánh tay, nặng hơn nữa là liệt tứ chi.
TVĐĐCS cổ: quá trình thoái hóa thường diễn ra âm thầm lặng lẽ trong một thời gian dài trước khi xuất hiện thoát vị đĩa đệm và những biến đổi về hình thái cấu trúc bệnh lý nêu trên. Vì vậy, khi chúng ta ở lứa tuổi từ 30 trở lên có dấu hiệu đau tê bì vùng sau cổ lan xuống bả vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay, các dấu hiệu này gợi ý một bệnh cảnh TVĐĐCS cổ đấy, bạn nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị. Nếu đúng là thoát vị, bạn cần nên điều trị sớm. Thầy thuốc nào cũng đều khuyên bệnh nhân nên dự phòng và điều trị sớm thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm khi còn rất nhẹ. Dự phòng và điều trị thoái hóa cột sống sớm có thể không để xãy ra thoát vị đĩa đệm hoặc nếu có bị thoát vị thì cũng ở mức nhẹ mà không cần can thiệp phẫu thuật. Đừng bỏ qua cơ hội khi TVĐĐCS cổ còn ở giai đoạn nhẹ có thể điều trị ổn định bằng phương pháp bảo tồn hay phương pháp vi sang thương (không phẫu thuật) với kết quả tốt. Điều trị sớm khi vòng xơ chưa đứt rách nhiều, thoát vị lồi ra còn nhỏ, điều này giúp cho đường rách của vòng xơ dễ khép kín lại với nhau hơn và có khả năng tạo thành vết sẹo, tránh được sự tái phát như trong mổ hở
Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuyển trích từ tài liệu của nhiều tác giả nước ngoài cho thấy: có tới 80 – 85% các trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, không hết đau, bệnh nhân chỉ giảm đau tạm thời trong thời gian điều trị và tái phát đau sau khi ngừng điều trị.
Tuy vậy khi điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, đó là lúc cần can thiệp phẫu thuật (mổ hở) hoặc sử dụng các phương pháp vi sang thương (không mổ hở ). Phương pháp nào thì cũng có những ưu thế và hạn chế của nó.
Các phương pháp điều trị
Phương pháp phẫu thuật: chúng tôi tổng hợp nhiều tài liệu của các tác giả trong và ngoài nước cho thấy biến chứng của phẫu thuật cột sống cổ như: tổn thương động mạch cảnh gốc, khí quản, thực quản, chấn thương tủy sống hoặc chấn thương rễ thần kinh quặt ngược gây (nói khàn), đau khi nuốt, nhiễm trùng sau mổ, tụ máu vết mổ, viêm đĩa đệm vô khuẩn, sẹo có thể gây chèn ép rễ thần kinh, dò dịch não tủy, mổ nhầm đĩa đệm do xác đinh sai vị trí. Trong trường hợp ghép xương và đặt nẹp vít cổ định, mảnh ghép có thể bị viêm, tiêu mãnh ghép, vỡ mảnh ghép, trật ra ngoài khỏi vị trí, tái phát thường trên dưới 10%. Trong trường hợp phải phẩu thuật thay đĩa đệm nhân tạo với các loại chất liệu khác nhau cũng có thể gặp biến chứng như: trật đĩa đệm, tuột vít, gãy vít, sau phẫu thuật cột sống cổ có biến dạng. Phương pháp ghép xương tự thân có thể tạo cho cột sống vững chắc, tránh khớp giả, tuy nhiên việc hàn cứng khớp kiến cho các động tác cổ ít nhiều bị hạn chế và tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống liền kề và thoát vị có thể lại xảy ra ở các ở các đĩa đệm khác. Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuyển, trích từ tài liệu của McCulloch (1998) biến chứng tử vong có thể xảy ra với tỉ lệ dưới 1% ngay cả khi sử dụng phương pháp mổ vi phẩu.
Phương pháp giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da là 1 trong 6 phương pháp vi sang thương được nhiều nước trên thế thế giới áp dụng. Do nhiều lý do và tính toán sự ưu thế của mỗi phương pháp, chúng tôi đã chọn phương pháp dùng laser để giảm áp đĩa đệm cột sống cổ bị thoát vị. Trong 18 năm thực hiện phương pháp giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da để điều trị thoát vị đĩa đệm cho những bệnh nhân, mà ở những bệnh nhân này nằm trong diện có chỉ định và có nguyện vọng được thực hiện được với phương pháp giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da, chúng tôi gặp TVĐĐCS cổ chiếm 25%, cột sống thắt lưng chiếm 71% và thoát vị cột sống cả cổ và thắt lưng chiếm 5%..
Theo tài liệu của nhiều tác giả trên thế giới thì cứ 100 bệnh nhân có chỉ đinh phẫu thuật TVĐĐCS thì có tới 80 bệnh nhân có thể thực hiện được bằng các phương pháp vi sang thương (không phẫu thuật) và phẫu thuật nội soi vi phẫu cũng được xem như là phương pháp vi sang thương.
Khi đã quá nặng cần tới các phẫu thuật có ghép xương tự thân, đặt nẹp vít, thay đĩa đệm thì chi phí cho điều trị là rất lớn và kết quả cũng hạn chế. Trong phẫu thuật thay đĩa đệm, chỉ tính riêng tiền phải mua mỗi đĩa đệm cũng đã tốn vài chục triệu, tùy theo từng loại.
PGS.TS.BS. TRẦN CÔNG DUYÊT
(Website vienngoaikhoalaser.vn)