Sau khi lấy hạt, ngâm nước nở to gấp 8-10 lần thể tích của hạt thành một chất nhày màu nâu nhạt trong, vị hơi chát và mát. Vì vậy ở miền Nam hay dùng làm thuốc uống giải khát. Gốc cuống lá và vỏ trong của hạt, ngâm nước cho chất nhày rất nhiều nên hạt thường được ngâm nước cho đường vào làm thạch để giải khát. Lá non nấu canh ăn được. Chất nhày của hạt dùng làm thuốc trị các chứng bệnh đường tiêu hóa.
Cây lười ươi cho vị thuốc an nam tử (bàng đại hải).
Dùng làm thuốc, người ta hái quả chín nứt ở cây lấy hạt phơi khô dùng dần. Hạt an nam tử có hình bầu dục trông như quả trám. Bề mặt màu nâu tối hoặc màu nâu vàng sẫm, có vân nhẵn không đồng đều. Theo Đông y, an nam tử tính hàn, vị ngọt, lợi về kinh phế, đại tràng có công dụng thanh nhiệt, nhuận phổi, lợi hầu, giải độc, trị ho khan, không có đờm, đau họng, khản tiếng, cốt chưng (người bệnh sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm…). Dưới đây là những bài thuốc thường dùng:
Trị ho khan, mất tiếng, họng nóng rát, viêm đau lợi: An nam tử 5 hạt, cam thảo 3g. Sắc uống thay trà. Nếu người già hoặc trẻ em uống có thể cho thêm ít đường phèn.
Trị đau họng, ho khan không có đờm, khàn tiếng, cốt chưng nội nhiệt, chảy máu cam: An nam tử 3 hạt, mật ong 15ml. Hãm với nước sôi uống thay trà.
Trị chảy máu cam ở trẻ nhỏ: An nam tử 2-5 hạt, sao vàng, nấu lấy nước cho trẻ uống trong ngày.
Trị viêm họng, viêm amidan cấp tính: An nam tử 5g, bản lam căn 5g, mạch môn đông 5g, cam thảo 3g. Hãm với nước sôi, uống nhiều lần thay trà.
Hoặc dùng bài: An nam tử 5g, bồ công anh 4g, hoa kim ngân (khô) 16g, bạc hà 2g, cam thảo 1g. Rửa sạch, hãm nước sôi, uống thay hàng ngày.
Chú ý: An nam tử chỉ dùng mỗi ngày từ 2-5 hạt, không dùng kéo dài.
DS. Hồng Hải