Nguyên nhân của rò bàng quang-âm đạo
Tai biến trong mổ sinh, sang chấn trong quá trình chuyển dạ. Chuyển dạ kéo dài do bất cân xứng giữa đầu thai nhi với khung chậu của người mẹ, gây chèn ép BQ hoại tử BQ tạo ra rò BQ – ÂĐ.
Sau tai biến phẫu thuật cắt tử cung qua ngả bụng.
Do chấn thương vì tai nạn như: ngã ngồi phải cọc, tai nạn giao thông. Ngoài ra, ung thư BQ và trực tràng (tại chỗ hoặc di căn từ nơi khác đến) xâm lấn vào các vách ngăn rồi gây thủng. Cũng có khi do đặt kim phóng xạ để điều trị các loại ung thư vùng chậu hông. Các tia phóng xạ này diệt tế bào ung thư, đồng thời cũng làm thủng vách ngăn giữa BQ, trực tràng và ÂĐ.
Cách xác định rò bàng quang-âm đạo
Thường xuất hiện 7 – 14 ngày sau khi mổ, ở thời điểm này xuất hiện nước tiểu chảy ra từ ÂĐ, số lượng nước tiểu chảy ra nhiều hay ít tùy thuộc vào kích thước và vị trí của lỗ rò.
Thử nghiệm màu: bơm dung dịch bleu methylene vào BQ qua một ống thông niệu đạo. Đặt 3 tampon vào ÂĐ sau khi BQ được bơm đầy nước, thấy có sự nhuộm màu của tampon.
Xác định lỗ rò bằng cách nội soi BQ để đánh giá số lượng, kích thước, vị trí lỗ rò đồng thời đánh giá mức độ viêm nhiễm của BQ, để có cách điều trị tốt nhất.
Rò niệu quản – ÂĐ cũng hay đi kèm với rò BQ – ÂĐ là nguyên nhân thường gặp sau phẫu thuật vùng đáy chậu, xác định bằng chụp hệ niệu có cản quang.
Điều trị rò bàng quang-âm đạo
Trường hợp lỗ rò nhỏ, dùng đốt điện đường rò kết hợp đặt dẫn lưu BQ tốt giúp cho đường rò hóa sẹo.
Các trường hợp khác phải phẫu thuật. Cần mổ sớm khi các phần BQ – ÂĐ tiếp giáp lỗ rò còn mềm mại, chưa bị xơ cứng do viêm kéo dài. Từ lỗ rò, các bác sĩ sẽ bóc tách tổ chức BQ khỏi tổ chức ÂĐ trên một diện đủ rộng để khâu đóng kín lỗ rò BQ, sau đó khâu lỗ rò ÂĐ.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN