Năm nào ở Việt Nam cũng có một số trường hợp mắc bệnh viêm não – màng não do nhiễm giun A. Cantonensis. Bệnh gây đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác, trường hợp nặng có thể bị co giật, liệt, nói lảm nhảm, hôn mê và tử vong. Chính vì vậy việc phòng ngừa để tránh nhiễm giun sán là vô cùng quan trọng.
Giun gây bệnh như thế nào?
Giun gây bệnh Angiostrongylus cantonensis gồm các loại giun tròn hình trụ, sống ký sinh trong các mạch động mạch nhỏ và các khoang tim của vật chủ. Ấu trùng giun sống trong các loài nhuyễn thể trung gian. Loại giun này ký sinh ở phổi chuột. Chuột thải ấu trùng giun ra ngoài qua phân.
Tuyệt đối không ăn các thức ăn sống hoặc chưa nấu chín kỹ từ ốc, tôm, cua, cá… để phòng nhiễm giun (ảnh lớn), hình ảnh giun A. Cantonensis (ảnh nhỏ).
Ngoài môi trường, ấu trùng giun ký sinh ở các loại ốc nước ngọt và ốc sên. Nếu người khi ăn phải ốc sên, tôm, cua có ấu trùng hoặc ăn rau sống có dính ấu trùng, uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm loại giun này.
Trong cơ thể người, ấu trùng giun ký sinh ở não hoặc đến các phủ tạng khác, chủ yếu ký sinh ở hệ thần kinh trung ương.
Sau 2-3 ngày, ấu trùng đến não, phát triển thành con trưởng thành non ký sinh trong mạch máu màng não. Tiếp đó, chúng đến các động mạch phổi và buồng tim phải. Ở người, ấu trùng giun di chuyển theo đường máu đến hệ thần kinh trung ương, đào hầm vào sâu trong nhu mô não. Vì các giun còn non, không thể hoàn thành chu kỳ của chúng trên cơ thể người nên thường bị chết, gây ra tổn thương viêm tăng hơn.
Khi nào nghĩ đến nhiễm giun?
Khi có giun Angiostrongylus trưởng thành còn non trong màng não và trong nhu mô tủy sống, cầu não và tiểu não, chúng sẽ gây ra một phản ứng viêm được gọi là viêm não – màng não tăng bạch cầu ái toan. Bệnh nhân bị nhiễm trùng và đau đầu nghiêm trọng do bị tăng áp lực sọ não sinh ra do phản ứng viêm lan rộng trong màng não. Thời gian mắc bệnh trung bình khoảng 20 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 6 – 34 ngày. Ca bệnh điển hình, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu cấp tính, có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có dấu hiệu kích thích màng não, dị cảm, đôi khi liệt các dây thần kinh sọ não. Dịch não tủy không có màu sắc vàng và không có máu, không có hình ảnh rối loạn vận động quan trọng. Đau rễ thần kinh, hôn mê và suy hô hấp là các dấu hiệu lâm sàng hiếm. Thị lực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giun tròn này có đi vào trong mắt hoặc gián tiếp gây liệt các dây thần kinh sọ não dẫn đến chứng song thị. Một số ít bệnh nhân biểu hiện dấu hiệu dị cảm, yếu chi, rối loạn nhận thức. Khi có một số hay đầy đủ các dấu hiệu trên đây, cần phải nghĩ đến nhiễm giun.
Chu kỳ gây bệnh cho người của giun A . Cantonensis.
Các nhà chuyên môn nên xem xét đến bệnh Angiostrongyliasis khi đánh giá một bệnh nhân có viêm màng não tăng bạch cầu ái toan, kể cả khi bệnh nhân đó nằm ngoài các vùng không phải bệnh lưu hành, đặc biệt các du khách hoặc các nguồn thực phẩm nhập khẩu liên quan.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) thấy hình ảnh tăng nhiều nốt nhỏ trong nhu mô não và tăng tuyến tính trong phần vùng màng mềm bao bọc quanh não và tủy sống. Hình ảnh nhiều nốt cũng được phát hiện trên phim chụp MRI của nhu mô phổi, phản ánh có sự hiện diện giun trong phổi và các cơ quan phủ tạng.
Có thể tìm được ấu trùng trong dịch não tủy. Tuy nhiên, việc phát hiện và đếm ký sinh trùng trong dịch não tủy rất thay đổi tùy từng nghiên cứu. Việc để bệnh nhân ngồi trước khi chọc lấy dịch não tủy có thể tăng cơ hội phát hiện giun trong dịch não tủy. Tăng bạch cầu ái toan trong máu đã được phát hiện đến 84% số ca khi xét nghiệm ban đầu.
Điều trị ra sao?
Trong điều trị, cần tháo dịch não tủy lặp lại có nhiều lợi điểm vì chúng đóng vai trò làm giảm áp lực nội sọ. Việc diệt giun có thể làm cho tình trạng viêm nghiêm trọng hơn và tăng tính nguy hiểm cho bệnh nhân. Thuốc có thể dùng gồm: prednisolone, albendazole: 15mg/kg 2 lần mỗi ngày trong 2 tuần. Prednisone làm giảm tỷ lệ bệnh nhân đau đầu dai dẳng đáng kể sau khi hoàn tất liệu trình điều trị. Việc phối hợp thuốc chống giun sán với thuốc chống viêm đã được đánh giá cho kết quả khả quan. Việc quan trọng để điều trị bệnh do A. cantonensis là kiểm soát phản ứng viêm.
Để phòng chống bệnh viêm não màng não do bị nhiễm giun A. cantonensis, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện ăn chín, uống chín. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái ốc sên. Không nên ăn các thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ chế biến từ ốc, tôm, cua, cá dưới mọi hình thức, lưu ý khi ăn món lẩu hải sản. Tránh ăn sống các loại rau thuỷ sinh. Rửa sạch rau để loại bỏ các loài nhuyễn thể nhiễm ấu trùng gây bệnh.
Giữ vệ sinh môi trường: thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, thực hiện diệt chuột ở khu dân cư sinh sống để cắt đứt vòng đời sinh học của giun A. Cantonensis. Phòng tránh các nguy cơ gây mắc bệnh cho người.
Đến khám ở các cơ sở y tế: khi đã ăn các loại thức ăn từ ốc sên hoặc tôm, cua ốc chưa nấu chín mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như sốt, đau đầu, buồn nôn.
ThS. Ninh Văn Minh