Viêm dạ dày – tá tràng và nhiễm khuẩn Helicobacter pylori

Helico bacterpylori – Hp là vi khuẩn gây nhiễm trùng mạn phổ biến nhất ở loài người. Khoảng 50% dân số thế giới nhiễm Hp, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, tần suất trẻ em bị nhiễm H.pylori khá cao và tần suất tăng dần theo tuổi và tăng đến trên 60% ở độ tuổi 50.

Vi khuẩn Hp lây nhiễm từ người nhiễm sang người lành qua đường phân – miệng hay miệng – miệng, dẫn đến sự tần suất lây nhiễm cao giữa những người cùng chung sống trong một môi trường. Điều này phần nào lý giải tỉ lệ nhiễm Hp cao tại Việt Nam.

Vi khuẩn Hp là vi khuẩn gram (-) kỵ khí, hình xoắn và có nhiều đuôi roi. Nhờ đuôi roi và thân hình xoắn, vi khuẩn có thể xuyên qua lớp nhầy, vùi vào niêm mạc, bám dính vào tế bào biểu mô bằng chất bám dính tự tiết. Trong khi hầu hết vi khuẩn khác bị tiêu diệt trong môi trường axít của dạ dày thì Hp lại có thể tồn tại trong môi trường axít này và gây tổn thương niêm mạc qua trung gian các chất Mucinases, phospholipases, Vac A – yếu tố độc tế bào.

 

Viêm dạ dày - tá tràng và nhiễm khuẩn Helicobacter pylori

 

Những triệu chứng

Bệnh nhân viêm dạ dày – tá tràng kèm nhiễm Hp có thể biểu hiện triệu chứng sau:

Những triệu chứng thường gặp:

– Đau, cảm giác nóng rát, gặm nhấm tại thượng vị – chấn thủy.

– Nóng rát sau xương ức.

– Ợ hơi, ợ chua.

– Đầy bụng, khó tiêu.

– Buồn nôn, nôn.

Những triệu chứng báo động:

– Sụt cân không rõ nguyên nhân.

– Máu trong phân hay đi tiêu phân đen.

– Khối u vùng thượng vị (vùng chấn thủy).

Viêm dạ dày – tá tràng cấp và nhiễm Hp nếu không được điều trị phù hợp sẽ diễn tiến thành viêm mạn có thể gây loét dạ dày – tá tràng với xuất huyết đường tiêu hóa, thậm chí diễn tiến thành ung thư dạ dày theo thời gian.

Do vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám và được chỉ định làm xét nghiệm cần thiết xác định có bị viêm  dạ dày, tá tràng và nhiễm Hp hay không nếu có một hay những triệu chứng trên hay có người thân chung sống trong gia đình có viêm  dạ dày – tá tràng và nhiễm vi khuẩn Hp.

Chẩn đoán như thế nào?

Hiện nay có nhiều loại xét nghiệm giúp xác định sự hiện diện của Hp trong dạ dày, như: xét nghiệm máu, xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm  phân… nhưng đặc biệt nhất là nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng. Thủ thuật nàyđược bác sĩ nội soi thực hiện bằng cách đưa một ống soi mềm có máy quay ở đầu ống soi đi từ miệng, họng và vào thực quản rồi dạ dày và phần đầu ruột non để quan sát trong lòng ống tiêu hóa. Nếu có tổn thương nghi ngờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô nhỏ – gọi là sinh thiết để gửi phòng xét nghiệm xác định bản chất tổn thương đó. Hơn nữa, qua nội soi, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm tìm sự hiện diện của vi khuẩn Hp trong dạ dày. Hiện nay, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng được coi là “phương tiện vàng” để chẩn đoán bệnh lý ống tiêu hóa trên và giúp bác sĩ can thiệp khi cần thiết, như chích cầm máu ổ loét hay cắt polyp đường tiêu hóa…

Điều trị và phòng ngừa

Sau khi có chẩn đoán chính xác, nếu người bệnh có viêm dạ dày – tá tràng và nhiễm Hp thì sẽ được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tư vấn và giải thích điều trị cụ thể, bao gồm:

Những lưu ý khi điều trị (cách dùng thuốc, tác dụng phụ của thuốc, thời gian điều trị, chi phí…).

Dự phòng lây nhiễm trong thời gian điều trị.

Theo dõi tiệt trừ sau điều trị.

Dự phòng tái nhiễm sau khi đã điều trị tiệt trừ.

Vì những lý do trên, nếu có những triệu chứng như đã nêu, cần phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS. NGUYỄN HỮU NHÂN

Rate this post