Trong số những người bị ợ nóng, có khoảng 3/4 trường hợp thường xảy ra vào ban đêm và khi đó cơn đau nhức cũng dữ dội hơn so với những trường hợp xuất hiện vào những thời điểm khác trong ngày. Do đó, ợ nóng rất dễ nhầm lẫn với cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
Ợ nóng là triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), được biểu hiện bằng một cảm giác nóng rát, lan tỏa từ dạ dày lên ngực và họng. Ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn no, khi khom cúi người xuống, khi cố gắng nâng một vật nặng, khi nằm, nhất là nằm ngửa
Dễ nhầm lẫn
Trên thực tế, đau ngực do ợ nóng hay nhồi máu cơ tim rất khó phân biệt, nhất là sau khi ăn. Ợ nóng, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim có những biểu hiện khá giống nhau cho nên đôi khi bác sĩ cũng rất khó phân biệt được nếu chỉ thông qua thăm khám và khai thác tiền sử bệnh. Vì vậy, khi bị đau ngực chúng ta cần phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và làm một số xét nghiệm chuyên khoa để loại trừ nhồi máu cơ tim.
Ợ nóng gây khó chịu hoặc đau ngực là do axít của dịch vị di chuyển từ dạ dày lên thực quản và biểu hiện bởi một dấu hiệu tiêu biểu như: cảm giác bỏng rát ở vùng thượng vị sau đó di chuyển lên ngực, thường xảy ra sau khi ăn hoặc khi nằm hay cúi người, có thể làm người bệnh tỉnh giấc, đặc biệt là nếu đã ăn trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ. Thông thường biểu hiện đau ngực sẽ giảm bớt khi người bệnh sử dụng thuốc kháng axít. Tuy nhiên, những dấu hiệu này cũng hay gặp trong nhồi máu cơ tim nhưng nhồi máu cơ tim xảy ra đột ngột, gây đau ngực dữ dội và khó thở, thường liên quan đến gắng sức. Những biểu hiện điển hình của nhồi máu cơ tim bao gồm cảm giác căng tức, đau ở ngực và cánh tay, có thể lan lên cổ, sau hàm hoặc sau lưng, buồn nôn, đầy hơi, ợ nóng hoặc đau bụng, khó thở, vã mồ hôi lạnh, mệt mỏi, chóng mặt đột ngột
Dấu hiệu phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim thường gặp ở cả nam và nữ là đau ngực hoặc cảm giác khó chịu. Nhưng đối với phụ nữ thường có các biểu hiện khác như: đau lưng, đau hàm, khó thở, nôn, buồn nôn.
Điểm khác biệt của cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim và các bệnh ở đường tiêu hóa, là bệnh về tim mạch thường gặp ở người từ độ tuổi 50, nhất là ở người có một hoặc nhiều bệnh khác kèm theo như huyết áp cao, đái tháo đường hoặc cholessterol máu cao, hút thuốc lá, thừa cân. Còn các bệnh về tiêu hóa thì gây đau ngực nhưng tùy từng loại bệnh mà có những đặc điểm riêng như đau trong bệnh lý túi mật thì cũng lan lên ngực nhưng người bệnh thường nôn nhiều, đau bụng vùng thượng vị hoặc vùng hạ sườn phải, đau xuất hiện sau bữa ăn nhiều dầu mỡ và đau có thể lan lên vai, cổ hoặc cánh tay.
Làm sao phân biệt?
Để phân biệt ợ nóng với bệnh lý về tim mạch ngoài dấu hiệu đau, cần dựa vào những biểu hiện riêng biệt của chúng:
Đau ngực do ợ nóng xảy ra khi axít trong dạ dày trào ngược lên thực quản và ở mỗi người có mức độ đau khác nhau nhưng hầu hết đều có những biểu hiện sau:
– Cảm giác nóng rát ở ngực, ngay sau xương ức, thường xuất hiện sau ăn và kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
– Cảm giác rát ở cổ họng hay cảm thấy có dịch axít nóng, chua hoặc dịch có vị mặn ở cổ họng.
– Người bệnh có cảm giác khó nuốt, cảm giác thức ăn đang kẹt ở giữa ngực hay cổ họng.
– Ợ nóng có thể gây ra ho kéo dài, viêm họng, hay khàn giọng mãn tính.
– Khi sử dụng thuốc kháng axít thì cơn đau giảm nhanh.
– Không có biểu hiện toát mồ hôi lạnh trong cơn đau.
Tuy nhiên, cơn đau do nhồi máu cơ tim và đau do ợ nóng nặng rất khó phân biệt cho nên cần phải làm một số xét nghiệm riêng biệt để chẩn đoán xem có bị nhồi máu cơ tim hay không. Ngoài ra, vì cả hai cùng có biểu hiện và những dấu hiệu rất giống nhau, nhất là ở người lớn tuổi, người thừa cân.
Đối với bệnh lý tim mạch, ngoài biểu hiện đau còn có một số những dấu hiệu điển hình như:
Cảm giác đầy bụng, đau thắt, hơi nặng ngực hoặc thường hay đau ở giữa ngực.
Cảm giác bị thắt chặt ở vùng ngực.
Đau ngực đột ngột và nặng dần.
Người bệnh bị choáng váng.
Đau lan tỏa lên vai, cổ, sau hàm hay cánh tay.
Cơn đau thường đáp ứng nhanh với nitroglycerin.
Người bệnh bị khó thở.
Thường đổ mồ hôi lạnh trong cơn đau.
Nếu gặp những cơn đau kéo dài hay có những dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu cơ tim, nhất thiết phải đến ngay cơ sở điều trị để khám ngay.
BS. HỒ VĂN CƯNG