Tính đến nay chương trình đã tổ chức được 15 khóa tập huấn cho hơn 800 bác sĩ, kỹ thuật viên liên quan đến chuyên ngành đột quỵ và PHCN. Chương trình cũng đã đào tạo được 6 lớp dành cho người nhà bệnh nhân với khoảng 400 người tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108, Lão khoa Trung ương, Đại học Y Hà Nội, PHCN Hà Nội, Chợ Rẫy, Thống Nhất, C Đà Nẵng…
Dự kiến trong năm 2018 sẽ có 41 khoá tập huấn cho các cán bộ y tế và mỗi tuần một lớp dành cho người nhà bệnh nhân diễn ra luân phiên tại các bệnh viện lớn.
Chương trình nhận được những phản hồi tích cực từ người chăm sóc bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Hoà, nuôi bố bị đột quỵ tại Bệnh viện Lão khoa cho biết: “Tôi may mắn được tham dự lớp học AVANT dành cho người nhà bệnh nhân tại BV Bạch Mai. Sau đó tôi về tự tập cho bố theo các hướng dẫn trong sách và video minh họa. Sự phục hồi của bố tôi có tiến bộ hơn 1 năm trước đó, dù bố tôi đã bị đột quỵ lần thứ hai.”
Đặc biệt, khóa học có sự tham gia giảng dạy của Giáo sư Andreas Winkler – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bad Pirawarth (Áo) và Chủ tịch Hội nghiên cứu lâm sàng PHCN Thần kinh Cộng hòa Áo. Giáo sư là đồng tác giả của cuốn sách và video hướng dẫn các bài tập PHCN cơ bản cho bệnh nhân đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam.
Một lớp đào tạo phục hồi chức năng cho người nhà tại BV Bạch Mai
Các bài tập này được Tổ chức đột quỵ Thế giới công nhận là những động tác cơ bản, đơn giản, dễ tập nhưng vô cùng hiệu quả trong việc giúp bệnh nhân đột quỵ sớm phục hồi thần kinh và trở về cuộc sống bình thường. Cũng trong khuôn khổ chương trình AVANT – Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ, sáng 2/4, Tổng hội Y học Việt Nam đã phối hợp với Ever Neuro Pharma , cộng hoà Áo, tổ chức khóa học A15 – Tập huấn cho giảng viên tại Bệnh viện E Trung ương với sự tham gia của 70 bác sĩ và kỹ thuật viên.
T.K