Nghẹt mũi là tình trạng một hoặc cả hai bên lỗ mũi bị bít tắc làm cho người bệnh không thở được dễ dàng. Tình trạng bít tắc này có thể do các mạch máu bên trong mũi bị viêm và các mô mũi sưng lên. Sự dư thừa dịch nhầy cũng khiến mũi bị bít tắc.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi
Trong nhiều trường hợp, tắc nghẹt mũi chỉ là một vấn đề cấp tính. Nghẹt mũi có thể xảy ra khi bị nhiễm virut. Cảm cúm do virut là nguyên nhân phổ biến gây nghẹt mũi. Trong số các virut gây cảm cúm, Rhinovirrus là hay gặp nhất. Ngoài nghẹt mũi, cảm cúm còn có thể gây hắt hơi, đau họng và ho.
Viêm mũi dị ứng là nguyên nhân đứng hàng thứ hai. Bên cạnh nghẹt mũi, các triệu chứng có thể bao gồm hắt hơi, chảy nước mũi và ngứa mắt. Viêm mũi dị ứng có đặc điểm gợi ý là thường gây hắt hơi kịch liệt, mỗi lần thường hắt hơi liên tiếp 5-6 cái. Nghẹt mũi trong viêm mũi dị ứng thường là nghẹt cả hai bên. Dịch mũi đa phần là dịch lỏng, màu trắng nhạt. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể biểu hiện mạnh mẽ theo mùa (mùa phấn hoa, cỏ) hoặc biểu hiện dai dẳng quanh năm nếu nguyên nhân là nấm mốc, bọ nhà, gián, lông thú cưng, bụi…
Viêm mũi không dị ứng bao gồm viêm mũi vận mạch, viêm mũi vị giác, viêm mũi nhiễm khuẩn. Ngoài ra còn có viêm mũi khác như viêm mũi nghề nghiệp, viêm mũi teo, viêm mũi liên quan đến thuốc… mà triệu chứng đều có liên quan tới nghẹt mũi.
Nghẹt mũi có thể giảm nhờ xông hơi nước nóng với tinh dầu.
Mang thai ảnh hưởng đến nhiều phần của cơ thể và có thể bao gồm cả mũi. Trong thời kỳ mang thai, hormon progesterone và estrogen tăng lên. Sự gia tăng hormon cùng với sự gia tăng lưu lượng máu có thể gây ra sưng nề niêm mạc mũi. Các triệu chứng có thể bao gồm ngạt mũi và hắt hơi… thường xuất hiện trong một giai đoạn nào đó của thai kỳ, có thể kéo dài trong thai kỳ nhưng sẽ biến mất ngay sau khi sinh.
Nguy cơ của nghẹt mũi
Trong hầu hết các trường hợp, ngạt mũi không chỉ đi một mình mà còn kèm theo các triệu chứng khác, vì thế bên cạnh việc giảm triệu chứng ngạt mũi tại nhà, quan trọng là phải theo dõi các triệu chứng để đến khám bác sĩ kịp thời. Nghẹt mũi cấp tính chỉ thường kéo dài vài ba ngày đến một tuần, khi kéo dài trên 3 tuần nó có nguy cơ trở thành mạn tính hoặc biến chứng.
Các biến chứng của nghẹt mũi có thể phát triển tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu mũi ngạt là do nhiễm virut, các biến chứng có thể xảy ra bao gồm nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm xoang. Một số trường hợp tắc nghẹt mũi gây ù tai, giảm khả năng nghe do viêm phù nề và mủ đọng, làm tắc nghẽn đường thông giữa mũi và tai. Viêm nhiễm ở mũi lâu dài cũng có thể lan lên mắt, gây viêm túi lệ, viêm màng tiếp hợp, viêm mí mắt,… Nghẹt mũi mạn tính kéo dài có thể gây biến dạng khuôn mặt, hình thể như: hẹp hàm ếch, răng vẩu, cằm nhô, lồng ngực xẹp,… Thiếu không khí thường xuyên do hít thở khó khăn khiến bệnh nhân trở nên chậm chạp, kém linh hoạt, nhức đầu và khó tập trung, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Các triệu chứng đi kèm có thể báo hiệu một bệnh nghiêm trọng hơn bao gồm: dịch mũi có màu vàng, xanh; cảm thấy đau trên mặt, đau tai, đau đầu; sốt; ho; tức ngực. Khi thấy các triệu chứng này người bệnh cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị.
Các phương pháp điều trị làm giảm nghẹt mũi
Nghẹt mũi có thể gây khó chịu từ mức độ nhẹ tới nặng và phần nào đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. May mắn thay, có rất nhiều phương pháp điều trị cho ngạt mũi từ các biện pháp tại nhà đến dùng thuốc.
Chẳng hạn hơi nước nóng có thể giúp giảm nghẹt mũi. Vì vậy, tắm nước nóng với vòi hoa sen, xông hơi mũi… có thể giúp dịch nhầy lỏng hơn và thoát ra dễ dàng, cải thiện hô hấp. Mặc dù tác dụng của hơi nước nóng có thể không kéo dài, nhưng ít nhất nó sẽ giúp tạm thời giảm bớt triệu chứng nghẹt mũi.
Việc xịt nước muối có thể giúp giảm viêm mũi và giảm nghẹt thở. Xịt nước muối an toàn khi sử dụng nhất là trong thời kỳ mang thai. Nước muối xịt mũi có thể mua tại nhà thuốc, cũng có thể pha chế tại nhà với nước ấm và muối sạch. Người bị ngạt mũi có thể dùng phương pháp rửa mũi xoang. Hiện có nhiều thiết bị rửa mũi xoang trên thị trường hoặc đơn giản là hít nước muối sinh lý ấm vào khoang mũi, giữ lại vài giây, sau đó để nước muối tự thoát ra theo đường miệng. Cách này cũng giúp xả sạch dịch nhầy khỏi mũi xoang, làm đường mũi thông thoáng dễ thở. Lưu ý dung dịch xịt rửa phải đảm bảo vô khuẩn, ấm, tránh gây nhiễm khuẩn cho mũi, xoang.
Khi cảm thấy khó chịu với một cái mũi tắc nghẹt, bạn có thể thử chườm nóng với một cái khăn ẩm. Chỉ cần lưu ý là khăn ẩm không quá nóng khiến bỏng da. Việc chườm nóng có thể làm giảm nghẽn xoang và cảm giác nặng ở mũi và mặt.
Thử với tinh dầu khuynh diệp cũng là một cách hay tại nhà. Hít tinh dầu có thể làm giảm triệu chứng viêm mũi và làm cho thở dễ dàng hơn. Đơn giản là chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu vào bát nước sôi và hít hơi nước.
Dùng thuốc dị ứng: Trong một số trường hợp, ngạt mũi là do một phản ứng dị ứng. Thuốc chống dị ứng kháng histamin sẽ ngăn chặn phản ứng này. Người sử dụng cần đọc hướng dẫn sử dụng thuốc và nhận thức được các phản ứng phụ. Một số loại thuốc dị ứng có thể gây buồn ngủ, vì vậy nên tránh lái xe hoặc vận hành máy móc.
Sử dụng thuốc chống sung huyết: Thuốc làm cho các mạch máu nhỏ ở mũi co lại làm giảm sung huyết trong niêm mạc mũi và làm giảm sự nghẹt mũi. Tại nhà thuốc có một số thuốc xịt trị ngạt mũi không cần kê đơn. Tuy nhiên, bất cứ ai bị huyết áp cao đều nên hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc thông mũi.
Uống đủ nước luôn là điều quan trọng khi bạn bị bệnh, với một cái mũi nghẹt cũng không ngoại lệ. Cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ làm giảm độ đặc chất nhầy của mũi và giúp đẩy chất nhầy khỏi mũi, giảm áp lực trong xoang, cũng giảm viêm và kích ứng.
BS. Nguyễn Bội Hoàn