Các nhà nghiên cứu Bỉ đã đánh giá 31 người trưởng thành từng phải tiến hành hóa trị khi còn nhỏ. Độ tuổi trung bình tại thời điểm họ điều trị ung thư là khoảng hơn 6 tuổi. Nhóm nghiên cứu đã so sánh những người này với nhóm chứng gồm những người trẻ chưa từng phải sử dụng hóa trị.
Cả hai nhóm có điểm số tương tự nhau trong các bài kiểm tra về trí nhớ dài hạn và khả năng tập trung. Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là những kỹ năng phát triển trước khi những người sống sót sau ung thư trải qua hóa trị liệu. Tuy nhiên, khi so sánh với nhóm chứng, những người sống sót sau ung thư có tính linh hoạt trong tư duy và trí nhớ ngắn hạn kém hơn. Nhóm nghiên cứu giải thích, những kỹ năng này phát triển ở độ tuổi sau đó.
“Các bài kiểm tra đòi hỏi phải chuyển đổi nhanh giữa các nhiệm vụ hoặc ghi nhớ những thông tin mới trong một khoảng thời gian ngắn rõ ràng là khó hơn đối với những người từng bị ung thư. Giai đoạn phát triển của não bộ tại thời điểm bắt đầu điều trị ung thư có thể đóng vai trò quyết định”, giáo sư Iris Elens thuộc Đại học Leuven cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng lấy mẫu dịch não tủy trong quá trình điều trị ung thư và phân tích nồng độ p-Tau để đánh giá tổn thương tế bào não. Họ phát hiện ra rằng, nồng độ cao p-Tau dự báo các vấn đề nhận thức sau này.
Nghiên cứu được đăng trên tờ Journal of the National Cancer Institute ngày 14/6.
BS P.Liên
(theo Univadis/UPI)