Nhu cầu chưa được đáp ứng trong điều trị đái tháo đường

Những con số biết nói

Đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu cấp bách của  của thế kỷ 21, là gánh nặng tài chính cho chăm sóc y tế cản trở qúa trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trên toàn thế giới, năm 2015, có 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, chi phí y tế toàn cầu cho điều trị đái tháo đường và các biến chứng là 673 tỷ USD. Số bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ dự báo tăng 55% vào năm 2040, với chi phí y tế toàn cầu cho ĐTĐ lên tới 802 tỷ USD[1].

Ông Nguyễn Tuấn H., Bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Tại Việt Nam, năm 2015 có 3.5 triệu người mắc bệnh, chiếm 6% người lớn trong độ tuổi từ 20 tới 79[2]. Năm 2040, số người mắc bệnh lên tới 6.1 triệu người. Chi phí y tế trên đầu người là 162.7 USD[3].

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, “Đái tháo đường là một trong những căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Để quản lý, điều trị đái tháo đường hiệu quả, cần phải triển khai các giải pháp tổng thể, toàn diện trên phạm vi cộng đồng và từng cá thể, như thực hiện lối sống lành mạnh; giáo dục bệnh nhân để tạo điều kiện người bệnh tự chăm sóc; và sàng lọc thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị các biến chứng. Trong hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán, điều trị ĐTĐ, các chỉ số về mục tiêu điều trị đã được xác định như kiểm soát đường huyết, huyết áp, cân nặng, HbA1c, cholesterol toàn phần…., cùng hướng dẫn cụ thể về cách lựa chọn, phối hợp thuốc dựa trên các bối cảnh, tình trạng cụ thể của người bệnh.”

Theo điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, tỉ lệ mắc đái tháo đường trong độ tuổi 50-69 là 7.7% và có xu hướng ngày càng trẻ hoá[4]. Chỉ có 31.1% bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán. Phần lớn đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn[5]. Trong số những người bị đái tháo đường  có tới 63.9% bệnh nhân không kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường[6]. Do đó, việc phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh tiết kiệm chi phí điều trị và hạn chế thấp nhất biến chứng.

Các biến chứng do đái tháo đường thường rất nặng nề và phần lớn chi phí điều trị là để điều trị biến chứng.

Biến chứng tim mạch do đái tháo đường (tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim…) là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở bệnh nhân ĐTĐ. Biến chứng thận do ĐTĐ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc bệnh thận giai đoạn cuối phải thay thận hoặc lọc thận. Biến chứng võng mạc là nguyên nhân hàng đầu làm giảm thị lực và có thể gây mù lòa[7]. Các biến chứng thần kinh có thể dẫn tới cắt cụt chi. Do các biến chứng này, bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ tỷ vong tăng gấp hai lần so với những người không bị mắc bệnh[8],[9].

Các thách thức trong điều trị hiện nay đối với người bệnh đái tháo đường

Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân ĐTĐ. Đã có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh về hiệu quả kiểm soát biến chứng của việc kiểm soát đường huyết tốt. Theo nghiên cứu lâm sàng quốc tế, cứ giảm 1% HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình trong vòng 2-3 tháng) sẽ giúp giảm biến chứng dài hạn[10]:

Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu đường huyết cần phải được cá thể hóa theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị. Một trong những thách thức của các bác sỹ điều trị là việc kiểm soát đường huyết trong khi giảm thiểu các tác dụng phụ như hạ đường huyết, tăng cân làm gia tăng nguy cơ tim mạch và suy thận…. Điều này vẫn còn là một nhu cầu điều trị chưa được đáp ứng với các thuốc điều trị đái tháo đường hiện có như Sulfonylurea,, TZD, insulin…

Một thách thức khác từ phía bệnh nhân là việc kém tuân thủ điều trị do e ngại các tác dụng phụ như sợ bị tăng cân do điều trị, sợ bị hạ đường huyết, hay không tuân thủ nếu liệu pháp điều trị quá phức tạp làm giảm hiệu quả điều trị. Việc tuân thủ điều trị kém dẫn đến kết quả điều trị hiệu quả thấp và ảnh hưởng lớn tới nguồn lực kinh tế của người bệnh và của chính ngành y tế.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, “Hiện bệnh viện Bạch Mai đang quản lý hơn 2.000 bệnh nhân ngoại trú và trên 100 bệnh nhân nội trú. Insulin là liệu pháp điều trị bắt buộc khi bệnh đái tháo đường tiến triển. Tuy nhiên, từ thực tế điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, việc điều trị bằng insulin hiện có tại khoa nhiều khi cũng gặp không ít khó khăn do việc bệnh nhân tuân thủ kém do sợ tăng cân và tâm lý sợ hạ đường huyết làm hạn chế khả năng đạt mục tiêu điều trị”.

Để tăng tuân thủ điều trị với insulin, nhu cầu điều trị đặt ra là cần có các loại insulin thế hệ mới kiểm soát tốt đường huyết bên cạnh đó ít gây tăng cân hơn, ít hạ đường huyết và phác đồ điều trị đơn giản. Khi đó, hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ cao hơn.

PV Lê Hảo


[1]IDF. Diabetes Atlas, Seventh Edition, 2015. Available at:http://www.diabetesatlas.org/component/attachments/?task=download&id=116.

[2] IDF. Diabetes Atlas, Seventh Edition, 2015. Available at:http://www.diabetesatlas.org/component/attachments/?task=download&id=116.

[3] IDF. Diabetes Atlas, Seventh Edition, 2015. Available at:http://www.diabetesatlas.org/component/attachments/?task=download&id=116.

[4] Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm Việt Nam, năm 2015

[5] Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm Việt Nam, năm 2015

[6] Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm Việt Nam, năm 2015

[7] http://www.who.int/diabetes/action_online/basics/en/index3

[8] Diabetes UK. Diabetes in the UK 2012: Key Statistics on diabetes http://www.diabetes.org.uk/About_us/What-we-say/Statistics/Diabetes-in-the-UK-2012/. Accessed Nov 19, 2014.

[9] American Diabetes Association Diabetes Care 2004;27 suppl 1:s79-s83

[10] Stratton IM et al. Association of glycaemia with macrovascular and microvascular complications of type 2 diabetes (UKPDS 35): prospective observational study. BMJ. 2000;321(7258):405-412

Rate this post