Bệnh viêm bàng quang có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người trưởng thành chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Viêm bàng quang cấp nếu không được chữa trị đúng có thể trở thành viêm bàng quang mạn, khó chữa và gây ra một số biến chứng nguy hiểm.
Bàng quang là cơ quan chứa đựng nước tiểu thuộc hệ thống đường tiết niệu. Thành của bàng quang bao gồm các lớp cơ trơn và lớp niêm mạc cùng với mạch máu đến nuôi bàng quang. Cơ trơn thành bàng quang được chỉ huy bởi thần kinh thực vật bởi não bộ, vì vậy, sự co bóp của bàng quang rất nhịp nhàng. Bàng quang có độ giãn rất tốt, một người bình thường, bàng quang có thể chứa được khoảng 300ml nước tiểu hoặc nhiều hơn. Khi nước tiểu đầy sẽ có phản xạ buồn tiểu và khi đi tiểu, thành bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài, sau đó bàng quang co lại và tiếp tục chứa đựng nước tiểu từ thận xuống.
Viêm bàng quang mạn tính do đâu mà có?
Viêm bàng quang cấp nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính. Có nhiều nguyên nhân gây viêm bàng quang, trong đó có một số nguyên nhân cần lưu ý, đó là do vệ sinh cá nhân không tốt, nhất là nữ giới bởi lỗ tiểu gần hậu môn rất dễ nhiễm bẩn, đặc biệt khi rửa vệ sinh. Các tác nhân gây ứ đọng nước tiểu nhất là ứ đọng nước tiểu ở bàng quang bởi sỏi, u, dị dạng bàng quang, lao hoặc do thói quen nhị tiểu, ngồi lâu, ngại đi tiểu, táo bón dài ngày hoặc sinh hoạt tình dục không đảm bảo vệ sinh rất dễ gây viêm bàng quang.
Biểu hiện đi tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ có một ít nước tiểu
Một số trường hợp viêm bàng quang do thao tác y tế như nội soi thăm dò bàng quang, thông bàng quang, dẫn lưu bàng quang, tán sỏi bàng quang hoặc phẫu thuật bàng quang có thể đưa đến nhiễm trùng bàng quang. Ngoài ra viêm bàng quang có thể do một số bệnh khác có liên quan như: viêm, u xơ tiền liệt tuyến (nam giới) làm ứ đọng nước tiểu ở bàng quang hoặc người mắc bệnh đái tháo đường, hẹp bao quy đầu hoặc phụ nữ đang mang thai hoặc người dùng thuốc điều trị ung thư đưa qua đường tiết niệu…
Bàng quang có thể chứa được khoảng 300ml nước tiểu hoặc nhiều hơn
Về căn nguyên, viêm bàng quang chủ yếu là do vi sinh vật, trong đó vi khuẩn đóng vai trò đáng kể, nhất là họ vi khuẩn đường ruột, đứng hàng đầu là E.coli, sau đó là Proteus, Enterobacter, Citrobacter. Tiếp dến là vi khuẩn họ cầu khuẩn, chủ yếu là tụ cầu da (S. epidermidis) hoặc tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus). Đáng lo ngại nhất là viêm bàng quang do vi khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa), bởi vì, vi khuẩn này có sức đề kháng rất tốt, đồng thời chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh (đa đề kháng kháng sinh). Ngoài ra, viêm bàng quang còn có thể do vi khuẩn gây viêm niệu đạo cấp hoặc mạn tính đi ngược lên như Chlammydia, Mycolasma.
Triệu chứng
Nói chung, viêm bàng quang mạn tính có biểu hiện gần giống như viêm bàng quang cấp tính nhưng không cấp tính, rầm rộ và còn tùy thuộc vào mức độ năng hay nhẹ của bệnh. Một số biểu hiện thường hay gặp nhất là đi tiểu nhiều lần, liên tục do niêm mạc bàng quang rất dễ bị kích thích bởi viêm nhiễm. Mót tiểu, tiểu buốt lan dọc đường đi của niệu đạo tới lỗ tiểu. Nhiều trường hợp nam giới tiểu buốt và đau dữ dội lan tới bẹn, bìu, quy đầu phải dùng tay bóp chặt dương vật cho đỡ đau. Triệu chứng tiểu rắt cũng thường gặp ở bệnh nhân viêm bàng quang mạn tính, biểu hiện đi tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ có một ít nước tiểu. Một số trường hợp tiểu ra máu, có thể do tác động của sỏi bàng quang hoặc lao bàng quang và thường tiểu máu cuối bãi. Đa số viêm bàng quang mạn tính có tiểu ra mủ (nước tiểu đục), thường thấy cuối bãi và có mùi hôi. Bụng dưới thường có cảm giác tức, rất khó chịu bởi bàng quang ứ đọng nước tiểu. Khi người bệnh tiểu đục, có thể có sốt, tuy vậy, ở người tuổi cao, sức yếu, có thể không sốt.
Viêm bàng quang chủ yếu là do vi sinh vật, đứng hàng đầu là E.coli
Ngoài ra, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, đau vùng thắt lưng nhẹ.
Biến chứng của viêm bàng quang mạn tính đáng sợ nhất là gây nhiễm trùng ngược dòng làm viêm thận (bể thận, đài thận), hậu quả có thể dẫn tới suy thận, tăng huyết áp (tăng huyết áp do thận). Trong khi đó, điều trị do suy thận vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Để chẩn đoán viêm bàng quang mạn tính ngoài các dấu hiệu lâm sàng, tiền sử bị viêm bàng quang cấp, cần được siêu âm hệ tiết niệu, nội soi bàng quang, chụp X-quang, tốt hơn là chụp hệ tiết niệu bằng chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu có điều kiện nên nuôi cấy nước tiểu xác định vi khuẩn gây bệnh, trên cơ sở đó có thể làm kháng sinh đồ để giúp cho bác sĩ điều trị chọn kháng sinh điều trị thích hợp hơn
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc là khi nghi bị viêm bàng quang cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị dứt điểm không để bệnh thành mạn tính. Ngoài ra, khám bệnh sẽ được phát hiện nguyên nhân gây viêm bàng quang, từ đó sẽ có chỉ định điều trị giải quyết nguyên nhân, ví dụ, do sỏi, u, lao hoặc do u xơ tiền liệt tuyến lành tính (nam giới).
Lời khuyên của thầy thuốc
Điều quan trọng nhất là không để viêm bàng quang cấp, muốn vậy, cần vệ sinh vùng hậu môn, bộ phận sinh dục ngoài sạch sẽ mỗi ngày. Với phụ nữ không nên dội hoặc xịt nước rửa từ sau ra trước và thay vì tắm bồn bằng tắm vòi hoa sen. Không nên ngồi lâu (khoảng vài giờ nên có giải lao, vận động cơ thể và đi tiểu) và không nên nhịn tiểu. Những người trong độ tuổi còn sinh hoạt tình dục nên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài và đi tiểu trước và sau khi giao hợp.
Ngoài ra, hàng ngày nên uống đủ lượng nước cần thiết (khoảng 1,5 – 2,0 lít), uống mỗi lần ít một, không uống dồn dập một lúc. Nên ăn thêm rau, canh (vì trong rau, canh có nhiều nước). Nên vận động cơ thể đều đặn hàng ngày bằng động tác thể dục buổi sáng, đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ (cầu lông, bóng bàn…). Những người có tiền sử viêm bàng quang hay đang điều trị viêm bàng quang nên khám bệnh định kỳ.
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG