Khi tĩnh mạch nổi rõ ở một số bộ phận trên cơ thể (còn gọi là nổi gân xanh), có thể đó là dấu hiệu của một số bệnh mà cơ thể đang gặp phải.
Gân xanh nằm dưới lớp da người chính là tĩnh mạch. Tĩnh mạch hay ven là mạch máu thuộc hệ tuần hoàn trong cơ thể, dẫn máu trở về tim (đối ngược với động mạch đưa máu từ tim ra). Tĩnh mạch có vai trò mang máu đã sử dụng về tim và đến các cơ quan lọc máu như gan, thận. Thường thì máu trong tĩnh mạch có lượng ôxy thấp khi đưa máu từ các mô trong cơ thể về tim. Hai ngoại lệ là tĩnh mạch rốn và tĩnh mạch phổi. Trong hai trường hợp này máu tĩnh mạch có lượng dưỡng khí cao. Tĩnh mạch có dạng ống, khi không có dung lượng thì xẹp xuống. Lớp ngoài cùng của tĩnh mạch chủ yếu cấu tạo bằng collagen bao bọc bởi nhiều vòng cơ trơn. Lớp trong cùng của tĩnh mạch là một lớp tế bào nội mô. Đa số các tĩnh mạch đều có van để ngăn ngừa máu chảy ngược chiều hoặc ứ đọng ở các chi dưới vì sức hút của trái đất. Vị trí tĩnh mạch thường di dịch ít nhiều theo từng cá nhân, khác với vị trí tương đối cố định của động mạch.
Loại trừ những người cao tuổi khiến tay, chân nổi gân xanh. Những trường hợp tuổi còn trẻ, khi các vùng tĩnh mạch ở một số bộ phận sưng lên và nổi gân xanh rõ rệt chứng tỏ cơ thể gặp những vấn đề bất thường. Hiện tượng tĩnh mạch nổi cục nhấp nhô lên khỏi mặt phẳng của da được xem là sự biến dạng tĩnh mạch liên quan đến những bộ phận khác bên trong cơ thể. Nếu thấy hiện tượng nổi gân xanh ở một số bộ phận thì chúng ta cũng nên lưu ý và nên đi khám sức khỏe ngay nếu có thể. Vì hiện tượng nổi gân xanh là một dấu hiệu báo tĩnh mạch đang bị tổn thương. Gân xanh càng to thì cho thấy bệnh tình càng nặng, đồng thời thời gian mắc bệnh càng lâu.
Tĩnh mạch nổi trên đầu
Khi các tĩnh mạch trên đầu có dấu hiệu sưng lên rõ nét, mọi người cần chú ý đến các căn bệnh hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu hoặc xơ cứng động mạch não và dễ dẫn đến đột quỵ. Khi tĩnh mạch ở vùng thái dương phình ra, đa phần là do tăng huyết áp do gan bị dương thượng thái quá. Khi tĩnh mạch ở vùng thái dương lồi ra và xoắn ngoằn ngoèo, nghĩa là có thể bạn đã bị xơ cứng động mạch não. Nếu tĩnh mạch chuyển sang màu tím đen thì rất dễ có nguy cơ bị đột quỵ. Những biểu hiện thường gặp: chóng mặt, nhức đầu, ong đầu, nhìn mờ và các triệu chứng khác. Tĩnh mạch xuất hiện ở trán là do căng thẳng và áp lực từ công việc suốt một thời gian dài.
Nổi tĩnh mạch ở chân.
Nổi tĩnh mạch vùng cổ
Khi bạn bị tĩnh mạch nổi lồi lên ở vùng cổ, báo hiệu bạn hai tình huống: Chức năng tim có vấn đề, đa phần mắc các bệnh tim phổi. Tình huống khác là đang bị viêm màng ngoài tim hoặc tràn dịch màng ngoài tim. Khi xuất hiện tĩnh mạch ở cổ, nghĩa là bệnh đã rất nghiêm trọng, cần phải chú ý điều trị kịp thời.
Tĩnh mạch ở lồng ngực và vùng bụng
Đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe vùng ngực và cảm xúc. Nghiêm trọng hơn, tĩnh mạch vùng bụng còn cho thấy biểu hiện của xơ gan hay khối u. Vì vậy, tĩnh mạch xuất hiện ở vùng này thường là bệnh khó điều trị.
Tĩnh mạch nổi ở tay và bàn tay
Gân xanh tập trung nhiều dưới da tay, nhất là ở mu bàn tay là biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch tay thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Tĩnh mạch nổi nhiều dưới da tay thường là biểu hiện cho thấy chất thải đọng dưới lưng và eo, nên dễ gây căng thẳng, mệt mỏi, đau lưng và thậm chí còn căng cứng cơ bắp.
Tĩnh mạch nổi trên ngón tay, đặc biệt là ở người lớn tuổi thường là dấu hiệu của bệnh tiêu hóa, đồng thời phản ánh những bất thường của vi mạch, nghiêm trọng hơn là chóng mặt, đau đầu hay đột quỵ. Tĩnh mạch ở gần ngón tay cái rõ nét hơn và xoắn còn cho thấy biểu hiện của bệnh xơ cứng động mạch vành, thậm chí dẫn đến các cơn đau tim. Tĩnh mạch nổi ở ngón tay giữa báo bệnh xơ cứng động mạch não. Trong khi tĩnh mạch nổi ở các đốt ngón tay thường liên quan các vấn đề về dạ dày, bệnh táo bón, trĩ. Tuy nhiên, nếu bệnh có dấu hiệu được cải thiện thì các gân xanh này sẽ mờ dần và biến mất.
Còn sọc đơn phía gần cổ tay hay vòng cổ tay liên quan đến các bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, huyết trắng… Nếu mép ngoài của ngón út xuất hiện gân xanh thì cho thấy chức năng thận của người này là không tốt, hay bị mệt mỏi, ra mồ hôi trộm và chân tay yếu ớt.
Tĩnh mạch nổi nhiều dưới da tay thường là biểu hiện cho thấy chất thải đọng dưới lưng và eo.
Tĩnh mạch nổi lên ở bìu
Một số nam giới khi quan sát cẩn thận, có rất nhiều tĩnh mạch nổi lên nhiều trong bìu. Đây là dấu hiệu để bạn biết đang mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Đây là một nguyên nhân phổ biến của việc sản xuất tinh trùng thấp và giảm chất lượng tinh trùng. Những người bị bệnh nhẹ sẽ xuất hiện cảm giác nặng vùng đáy chậu, hơi đau và sưng nhẹ, đau lưng. Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của tinh trùng, dẫn đến tinh trùng bất thường hoặc vô sinh.
Tĩnh mạch nổi ở chân
Nếu trên hai bắp chân của bạn xuất hiện nhiều gân xanh nổi lên, bạn đang có nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch. Bệnh nổi gân xanh ở chân nếu được điều trị kịp thời thì không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng với nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị viêm loét, đặc biệt là vùng cổ chân dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong.
BS. Nguyễn Hưng